Tôi năm nay 36 tuổi, đã kết hôn được 12 năm. Chồng tôi – anh Minh – là người đàn ông hiền lành, ít nói, luôn sống vì người khác. Ngày cưới, tôi từng nhận về không ít lời xì xào: "Sao cô giỏi giang thế mà lại lấy thằng thợ hồ dốt nát?". Nhưng tôi hiểu rõ con người của anh, một người đàn ông nghèo vật chất nhưng giàu nghĩa tình.
Lúc đó, mẹ anh bệnh nặng, em trai là Tuấn – cậu học sinh giỏi toàn trường – có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng vì không đủ tiền đóng học phí. Một mình Minh cáng đáng mọi thứ: ban ngày đi phụ hồ vất vả, ban đêm nấu cháo chăm mẹ, dành dụm từng đồng lo cho em trai học đại học. Ngày lễ tết, người ta vui chơi, còn anh đi mò cua, bắt ốc bán kiếm thêm tiền gửi lên thành phố cho em đóng học.
Ảnh minh họa.
Tôi còn nhớ một lần anh về sớm, tay rỉ máu vì bị tôn cứa khi làm việc. Tôi xót xa khuyên nghỉ vài hôm, anh chỉ cười, lắc đầu: “Không nghỉ được em à, thằng Tuấn sắp phải nộp học phí rồi”.
Tuấn quả đúng là có chí: học giỏi, tốt nghiệp ra trường liền có việc ở công ty nước ngoài, giờ là phó phòng, thu nhập cao, ngoại hình chỉn chu, ăn nói lưu loát. Mỗi lần Tuấn về quê, hàng xóm đều tấm tắc: "Thằng Tuấn giỏi thật, làm rạng danh nhà họ Trần". Nhưng càng thành công, em chồng tôi dường như càng lãng quên quá khứ.
Lần nọ, tôi nhờ Tuấn hỏi công ty có tuyển bảo vệ không, vì bên nhà ngoại có bác mới nghỉ hưu, muốn kiếm việc làm thêm. Tuấn chẳng buồn ngẩng đầu lên, chỉ buông một câu: “Giờ ai còn tuyển bảo vệ già thế. Thanh niên thất nghiệp còn không hết kìa”.
Tôi nghe mà nghẹn họng, nhưng nghĩ em nói cũng không sai nên đành nén giận.
Nhiều lần khác, Tuấn về quê chơi nhưng chẳng bao giờ mua được cho anh Minh – người từng nhịn ăn nhịn mặc vì em – lấy một món quà nhỏ. Trái lại, lần nào về cũng “tranh thủ” lấy gà, rau, cá trong vườn mang về thành phố, bảo rằng: “Đồ quê sạch, nhà nuôi nên yên tâm”. Tôi không tính toán, nhưng cách cư xử ấy khiến tôi không khỏi chạnh lòng.
Buồn nhất là cách Tuấn đối xử với anh trai. Em chồng tôi giờ không ngại mỉa mai mỗi khi anh Minh lên tiếng chuyện gì. Có lần anh nói về vụ lừa đảo điện lực, em liền gạt đi: “Anh đúng là chẳng biết gì ngoài lũy tre làng. Làm thợ hồ suốt ngày, có biết gì đâu. Đọc báo đi cho mở mang đầu óc, kẻo lại bị lừa hết”.
Anh chỉ cười xòa, bảo mình chẳng có tiền để mà lừa, Tuấn liền nhếch mép, không thèm đáp.
Càng chứng kiến những điều ấy, tôi càng xót chồng. Người từng dành cả tuổi trẻ nuôi em ăn học, nay lại trở thành kẻ “kém hiểu biết” trong mắt em ruột mình.
Tôi không mong Tuấn trả ơn, cũng không cần quà cáp, chỉ hy vọng một điều giản dị: em chồng tôi, dù đi xa đến đâu, đừng quên ai là người đã cõng mình qua những năm tháng gian nan nhất của cuộc đời.