Mùa hè đến, nắng nóng đều khiến mọi người khó chịu, mệt mỏi. Một vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm đó là làm gì khi trẻ bị sốc nhiệt vào mùa nắng nóng, đặc biệt có nên để trẻ trên xe ô tô bật điều hòa đóng kín cho giảm nhiệt?
Thông tin với Người Đưa Tin, bác sĩ Lê Văn Thiệu- Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vào mùa hè nhiệt độ thường rất cao, duy trì ở mức trung bình từ 30 độ C trở lên.
Thời tiết nắng nóng, trẻ thường mắc phải các bệnh như cảm, sốt, trúng gió, cảm nắng. Nguyên nhân khiến các bé mắc phải những bệnh này là do sự chênh lệch nhiệt giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời.
Thêm một nguyên nhân mà ít phụ huynh để ý được BS.Thiệu chỉ ra đó là việc để bé ngồi trong xe hơi quá nhiều và quá thường xuyên. Điều này có thể dễ dàng khiến trẻ bị sốc nhiệt.
Không ít phụ huynh cho rằng mùa hè nóng nực, để các con ngồi trong xe hơi là an toàn vừa tránh khói bụi lại có thể bật điều hòa mát lịm không cảm thấy oi bức khó chịu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các bậc phụ huynh tin rằng họ để con ngồi trong xe là an toàn, nhưng họ đã bỏ qua một vấn đề khác vô cùng quan trọng, đó chính là “nhiệt xe hơi”. Chính sự thiếu hiểu biết này của cha mẹ đã dẫn tới việc có thể gây ra những thảm kịch không đáng có.
Chức năng điều tiết nhiệt độ cơ thể bị mất đi dẫn đến đột quỵ nhiệt. Ngay cả trong trường hợp những ngày không có mặt trời hay việc đậu xe ở chỗ râm mát thì nhiệt độ chênh lệch giữa trong xe và ngoài trời cũng lên tới từ 7 đến 10 độ C.
"Việc cha mẹ để con cái của mình ngồi trong xe và bỏ đi mua đồ uống hay tán gẫu với bạn bè một vài phút cũng đủ để nhiệt độ trong xe thay đổi", BS. Thiệu cho hay.
Nếu người lớn đóng kín cửa xe và cửa sổ thì nhiệt độ trong xe lại càng tăng nhanh chóng. Chỉ trong khoảng 10 phút, nhiệt độ có thể tăng lên từ 6 - 7 độ C. Sự thay đổi nhiệt độ quá nhanh này sẽ khiến trẻ cảm thấy khó thở, chóng mặt và nếu thời gian kéo dài hơn thì sẽ dẫn tới trường hợp đáng tiếc là tử vong.
Theo chuyên gia y tế, trẻ dễ hấp thụ nhiệt hơn so với người lớn, khi nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột cơ thể bé không kịp thoát nhiệt ra ngoài.
"Chức năng điều tiết nhiệt độ cơ thể của trẻ chưa ổn định và phát triển đầy đủ bằng người lớn. Do đó, trẻ dễ bị sốc nhiệt", BS. Thiệu nói.
Để phòng sốc nhiệt trong xe hơi đóng kín, BS.Thiệu khuyến cáo tuyệt đối không để trẻ nhỏ ngồi một mình trong xe.
Việc cơ thể trẻ bị thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ dàng bị sốc nhiệt. Bởi vậy, cha mẹ hãy bổ sung nước cho bé, có thể cho trẻ uống nhiều nước lọc hoặc nước ép trái cây tươi.
Trong trường hợp trẻ bị sốc nhiệt, người lớn cần nhanh chóng sơ cứu cho bé bằng cách đưa bé tới nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo để trẻ có nhiều oxy hơn để thở. Sau đó, đưa trẻ tới bệnh viện.
Nếu quần áo của trẻ lúc này đã ướt mồ hôi thì ngay lập tức phải thay quần áo khác cho trẻ. Bật điều hòa hoặc quạt gió lên, tuy nhiên tránh không để hơi lạnh và quạt thổi thẳng vào người bé vì như vậy có thể khiến trẻ dễ bị cảm.
Thêm một lưu ý là không để cho bé ăn hoặc uống trong lúc bé còn chưa tỉnh táo. Khi bé đã tỉnh, có thể để bé uống canh đậu xanh hoặc một cốc nước mát để làm hạ nhiệt.
Bộ Y tế hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng
Trước đó, dự báo nắng nóng kéo dài, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chăm sóc sức khỏe. Theo Bộ Y tế, vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.
Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai...
Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp:
Mức độ nhẹ: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.
Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.
Mức độ nặng: Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.