29 người tử vong vì tai nạn giao thông trong ngày 1/9
Theo Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (ATGT), trong ngày 1/9, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 29 người, bị thương 41 người.
Như vậy, trong 2 ngày nghỉ đầu tiên của dịp nghỉ lễ Quốc khánh, toàn quốc xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người, bị thương 87 người.
Về tình hình giao thông, Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong ngày 1/9, lưu lượng phương tiện tại TP Hà Nội và các địa phương giáp ranh giảm đáng kể, giao thông thông suốt, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tại Tp.HCM, lưu lượng phương tiện tăng cao tại các cửa ngõ ra vào thành phố và trên 2 tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Các phương tiện di chuyển chậm, nhưng lực lượng chức năng phối hợp điều tiết, phân luồng từ xa, không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Tại khu vực cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, lưu lượng phương tiện tăng đột biến do người dân đổ dồn đi chơi dịp lễ, các phương tiện di chuyển chậm.
Công an tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã phối hợp điều tiết phân luồng phương tiện từ xa, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Cũng trong ngày 1/9, công an các địa phương kiểm tra, phát hiện xử lý hơn 15.200 trường hợp vi phạm; phạt tiền 32,8 tỷ đồng, tạm giữ 147 xe ô tô, hơn 5.200 xe mô tô, 100 phương tiện khác; tước giấy phép lái xe hơn 2.800 trường hợp.
Trong đó vi phạm về nồng độ cồn có 4.049 trường hợp; vi phạm về tốc độ có hơn 3.740 trường hợp; chở hàng quá tải trọng có 178 trường hợp; quá khổ giới hạn có 41 trường hợp; vi phạm ma túy có 17 trường hợp.
Trong ngày thứ hai của dịp nghỉ Lễ Quốc khánh, người dân bắt đầu đổ về các khu vui chơi, các điểm du lịch như Tp.Hạ Long, Sapa, Đà Nẵng, Nha Trang, Yên Bái nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Năm 2025, Trường Đại học Y Dược dự kiến thêm phương thức tuyển sinh
Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã làm thủ tục nhập học cho 649 sinh viên/640 chỉ tiêu (đạt 101,4%) trúng tuyển các ngành chính quy.
Nhằm giúp các tân sinh viên nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của công dân; nắm vững các Quy chế, quy định về đào tạo, chế độ chính sách đối với sinh viên; nắm bắt được phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025, nhà trường đã tổ chức buổi sinh hoạt tuần lễ hội nhập đầu khóa.
Tại buổi sinh hoạt tuần lễ hội nhập dành cho các tân sinh viên, GS. Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những chia sẻ về nghề để các em tân sinh viên hình dung được con đường phía trước sẽ đi.
Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống GS. Lê Ngọc Thành cho biết: "Nghề Y vất vả. Đã có ý thức vào học ngành Y thì trong mỗi sinh viên đã có sự hướng thiện. Xã hội vẫn nói nghề Y là một nghề đặc biệt nên cần sự đãi ngộ đặc biệt. Trong bối cảnh hiện nay, những người làm ngành Y chưa được hưởng "đặc quyền" đặc biệt đó nhưng không vì vậy mà quên truyền lửa cho sinh viên".
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng chính vì tính đặc thù của ngành Y nên không phải ai cũng theo được, có sinh viên bỏ dở giữa chừng. Ngành Y vất vả, gian nan, chỉ tình yêu với nghề thôi chưa đủ, nếu không có động lực, có quá trình phấn đấu, sẽ khó thành công.
Bởi quãng thời gian học đại học 6 năm mới chỉ là bắt đầu con đường để trở thành một người bác sĩ. Vì vậy nên những sinh viên lựa chọn học ngành này rất cần sự đồng hành của phụ huynh và thậm chí cả bạn bè.
Nói về đổi mới tuyển sinh trong thời gian tới, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhà trường sẽ đổi mới tuyển sinh.
Cụ thể, nhà trường đã tìm hiểu mô hình đào tạo của châu Âu và Mỹ. Nhà trường tiệm cận phương thức tuyển sinh của Mỹ đó là sinh viên tốt nghiệp 1 bằng đại học sau đó sẽ học Y.
Từ năm 2025, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến áp dụng thêm 1 phương thức tuyển sinh là dành cho những sinh viên đã có 1 bằng tốt nghiệp đại học tham gia xét tuyển ngành Y, ngành Dược. Theo đó, với đối tượng sinh viên này, ngành Y khoa sẽ học 4 năm còn ngành Dược học 3 năm.
Theo lịch, sau tuần lễ hội nhập cho sinh viên, các khoa/bộ môn Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ tiến hành tổ chức cuộc gặp mặt các tân sinh viên.
Tại buổi gặp mặt này các em sẽ được làm quen với các thầy cô trong khoa cũng như giải đáp các thắc mắc về chương trình đạo tạo cũng như các vấn đề liên quan đến chuyên ngành mình lựa chọn.
Lở loét cơ thể, nhập viện cấp cứu do "tự làm bác sĩ" tại nhà
Theo VTC News ông P.V.H (65 tuổi, Hà Nội) phát hiện mắc đái tháo đường type II cách đây 5 năm và được bác sĩ tư vấn, kê đơn điều trị. Ban đầu, ông tuân thủ uống thuốc và tái khám đúng lịch. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, ông tự ý tiêm insulin liều 8UI/ngày mà không tái khám do thấy sức khỏe ổn định.
Khoảng 2 tháng nay, ông H. bắt đầu cảm thấy đau nhức, tê bì cẳng chân hai bên, cơn đau tăng khi đi lại và giảm khi nghỉ ngơi. Trước khi đến bệnh viện khám 1 tuần, ông đau nhức liên tục, cả khi nghỉ ngơi, cẳng chân sưng nóng, tấy đỏ, chảy dịch mủ vàng, kèm sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, háo khát nước và sụt 5kg trong 2 tháng.
Trước những triệu chứng nghiêm trọng, ông H. đến khám tại Bệnh viện đa khoa Medlatec. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết lúc đói (Glucose) và HbA1c tăng cao nhiều lần; siêu âm mạch chi dưới phát hiện xơ vữa, vôi hóa động mạch chầy trước, gây hẹp 75-90%, cùng với hở nhẹ van hai lá.
Bệnh nhân được chẩn đoán loét cẳng chân do biến chứng đái tháo đường type II, xơ vữa, hẹp động mạch chầy trước hai bên (75-90%).
Sau khi tuân thủ phác đồ điều trị mới, hiện đường huyết của ông H. đã ổn định, vết thương cẳng chân khô lại, nhưng vẫn còn đau nhức, nhất là khi đi lại.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam (62 tuổi, Hà Nam), mắc viêm gan B mạn tính trong 5 năm qua. Ông tuân thủ uống thuốc kháng virus Tenofovir 300mg theo chỉ định của bác sĩ.
Ba tháng trước, sau khi kiểm tra sức khỏe, kết quả cho thấy men gan ổn định và tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, tưởng rằng bệnh đã được kiểm soát, bệnh nhân tự ý dùng thuốc "cách nhật", chỉ uống cách ngày một viên.
Gần đây, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, nước tiểu sậm màu, lượng nước tiểu giảm, nên đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán ông đang trong đợt bùng phát viêm gan B mạn tính, cần nhập viện điều trị nội trú để tránh bệnh tiến triển nặng hơn.
Theo TS.BS Ngô Chí Cương, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học Nhiệt đới, Hệ thống Y tế Medlatec, đây là hai trong số những ca bệnh đến khám tại bệnh viện có biến chứng do tự ý điều trị hoặc điều chỉnh thuốc.
Bệnh mạn tính chỉ được kiểm soát tốt khi người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, nếu không sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tàn tật hoặc tử vong.