Theo báo Thanh niên, trong 2 ngày 5 và 6/7, đã có 17 người đã ăn tiết canh, lòng lợn ở 3 quán gần nhau tại thôn Đồng Kỷ, xã Quỳnh An, tỉnh Hưng Yên. 6 người sau đó phải đi khám và điều trị tại bệnh viện. Đến ngày 8/7 thì 2 người tử vong.
Hai nạn nhân được xác định là ông T.V.D (51 tuổi, trú thôn Đồng Kỷ) và ông N.D.T (55 tuổi, trú thôn An Vị, xã Quỳnh An).
Ngay sau khi nắm thông tin, Trạm y tế Đông Hải (xã Quỳnh An) đã cử cán bộ phối hợp với công an xã giám sát, điều tra thông tin ca bệnh, những người ăn sáng tại các quán ăn và yếu tố dịch tễ liên quan bữa ăn sáng có dùng tiết canh, lòng lợn.
Ngày 14/7, Trạm Y tế Đông Hải nhận văn bản của Bệnh viện Bạch Mai thông báo về việc tiếp nhận 3 người liên quan đến chùm ca bệnh sau khi ăn tiết canh lợn tại xã Quỳnh An. Các bệnh nhân này được theo dõi và điều trị tích cực tại Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai. Hiện đã có 1 người được ra viện.

Theo Znews, trước tình hình đó, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế Hưng Yên, yêu cầu điều tra, xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn chuyên môn. Cơ quan này cũng đề nghị mở rộng giám sát tại các cơ sở y tế, đặc biệt chú ý đến người có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiền sử tiếp xúc, ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh.
Bộ Y tế yêu cầu phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trong giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, chia sẻ thông tin kịp thời để ngăn chặn nguy cơ lây lan sang người. Đồng thời, địa phương cần đẩy mạnh truyền thông cộng đồng, khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, thịt tái, lợn bệnh hoặc không rõ nguồn gốc.
Bệnh liên cầu lợn có thể gây viêm màng não mủ dẫn đến điếc không hồi phục, hoặc sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ không qua khỏi dao động từ 5% đến 20%, nếu sống sót, thời gian hồi phục kéo dài.
Ngay khi xuất hiện các ca nghi ngờ liên cầu lợn, ngành Y tế tỉnh Hưng Yên đã nhanh chóng đẩy mạnh tuyên truyền cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn. Trong đó, nhấn mạnh người dân tuyệt đối không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc đã chết, không ăn tiết canh, thịt sống, thịt chưa nấu chín kỹ.

Người dân cần rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn; không nên giết mổ nếu đang có vết thương hở; vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi và nhà bếp. Đặc biệt, nếu xuất hiện triệu chứng sốt cao đột ngột kèm tiền sử tiếp xúc với lợn, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, thông tin trên báo Nhà báo và Công luận.
Đây là lời cảnh báo rõ ràng trong bối cảnh thói quen ăn tiết canh, sử dụng thịt không rõ nguồn gốc vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Chính quyền địa phương, ngành y tế và thú y tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt các biện pháp chuyên môn, tăng cường tuyên truyền và xử lý nhanh chóng khi phát hiện ca bệnh, ổ dịch nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.