Theo thông tin từ Cơ quan Động vật hoang dã Kenya (KWS), vụ việc xảy ra vào tối 19/4, khi con sư tử vượt rào đột nhập vào khu dân cư gần Công viên Quốc gia Nairobi và tấn công bé gái trong một ngôi nhà tại trang trại ở rìa phía nam công viên.
Ông Paul Udoto, Giám đốc truyền thông cấp cao của KWS, cho biết với CNN rằng con sư tử cái đã nhảy qua hàng rào và xâm nhập vào khu vực có người sinh sống. Nó lao vào nhà nơi nạn nhân đang ở cùng một thiếu niên khác và bất ngờ tấn công cô bé. “Không có dấu hiệu nào cho thấy nạn nhân có hành động khiêu khích con vật", ông Udoto khẳng định.
Thiếu niên còn lại đã lập tức báo động, giúp các kiểm lâm viên và đội cứu hộ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Nhóm tìm kiếm lần theo vết máu dẫn đến sông Mbagathi và phát hiện thi thể nạn nhân với nhiều vết thương nghiêm trọng ở vùng lưng dưới.
Ngay sau vụ việc, nhà chức trách đã triển khai bẫy và các đội truy tìm sư tử cái, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ như dựng hàng rào điện, áp dụng hệ thống cảnh báo sớm có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thông báo kịp thời cho người dân về sự xuất hiện của động vật hoang dã.

Ảnh minh họa
Chỉ một ngày trước đó, tại Quận Nyeri, một người đàn ông 54 tuổi cũng bị voi tấn công khi đang chăn thả gia súc trong rừng. Người này bị thương nặng ở ngực, gãy xương sườn và chấn thương nội tạng. Ông được đưa tới bệnh viện nhưng không qua khỏi.
KWS cho biết hai vụ tấn công liên tiếp là hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng xung đột giữa người và động vật hoang dã, nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào các giải pháp chiến lược như hệ thống cảnh báo, hàng rào bảo vệ và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương để ngăn ngừa thảm kịch tương tự.
Các điều tra ban đầu của KWS chỉ ra rằng hai vụ tấn công đều có liên quan đến tình trạng mất cân bằng sinh thái và sự xâm lấn của con người vào môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã. Ông Udoto cho biết, con sư tử cái có thể bị mất phương hướng hoặc không thể đi săn như bình thường do sự suy giảm con mồi và áp lực từ hoạt động của con người quanh khu vực công viên.
“Chính sự xâm lấn của con người vào lãnh địa tự nhiên của động vật đã tạo điều kiện cho những cuộc xung đột đáng tiếc này xảy ra”, ông nói.
KWS gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân và cam kết tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng để bảo đảm an toàn cho cộng đồng sống gần các khu vực bảo tồn.
Mặc dù các vụ sư tử và voi tấn công người là tương đối hiếm, chúng vẫn có thể xảy ra ở những vùng giáp ranh các khu bảo tồn thiên nhiên. Theo ông Udoto, các vụ việc do sư tử gây ra chỉ chiếm chưa tới 2% tổng số các sự cố liên quan đến động vật hoang dã, trong khi các vụ voi tấn công thường phổ biến hơn, đặc biệt vào mùa khô – thời điểm các loài phải di cư để tìm kiếm nước và thức ăn, dẫn đến tiếp xúc nhiều hơn với con người.