Nhiều hệ lụy nếu không quản “giúp việc tự phát”
Liên quan đến nhiều thông tin phản ánh tại Bệnh viện Hữu Nghị như ngăn chặn quyền hỗ trợ chăm sóc người bệnh, bảo vệ hành hung người chăm bệnh nhân, muốn vào chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện phải có chứng chỉ đào tạo… Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tùng Lam - Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Hữu Nghị.
Tại buổi làm việc, liên quan đến quyền chăm sóc hỗ trợ người bệnh khi nhập viện điều trị, ông Lam thừa nhận đây là một vấn nạn tại bệnh viện. Theo ông Lam, bệnh nhân khi vào viện ở bất cứ viện nào cũng rất cần được chăm sóc. Có những gia đình thu xếp được người nhà hoặc người giúp việc cho gia đình vào chăm bệnh nhân thì không vấn đề gì.
Tuy nhiên, tại Bệnh viện Hữu Nghị, từ trước đến nay tồn tại một nhóm hay đội ngũ giúp việc tự phát, loanh quanh trong bệnh viện. Khi người bệnh vào viện có nhu cầu thì nhóm người này tiếp xúc, chăm sóc người bệnh theo thỏa thuận giá cả giữa người nhà bệnh nhân và người giúp việc.
Theo ông Lam, việc này xảy ra gây ra nhiều hệ lụy, trong đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại bệnh viện. Nhìn thấy những hệ lụy của giúp việc tự phát nên bệnh viện cũng đã tính làm sao để quản lý nhóm người giúp việc tự phát này.
Cụ thể là, khoảng 2-3 năm trước, bệnh viện triển khai việc cấp thẻ ra vào. Tuy nhiên, không giải quyết được triệt để vấn đề. Đến đầu năm 2023, bệnh viện làm việc với một số đơn vị cung cấp dịch vụ người chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện. Cuối cùng, thống nhất được với một đơn vị là Công ty TNHH Dịch vụ An Care (có thỏa thuận hợp tác với bệnh viện - PV).
Trong khoảng 10 tháng đầu khi có sự góp mặt của An Care vẫn có sự tồn tại giữa người của An Care và những người giúp việc tự phát.
Vị lãnh đạo bệnh viện cho rằng, từ khi có Công ty TNHH Dịch vụ An Care vào cũng chưa giải quyết triệt để được những hệ lụy trước đó. Nhưng đã hạn chế được cảnh người giúp việc túm năm tụm ba trước khuôn viên bệnh viện hay ở hành lang bệnh viện, ăn uống phản cảm…
Ngày 28/12/2023, bệnh viện ra thông báo nhấn mạnh việc bệnh viện không chấp nhận người giúp việc tự phát ở trong bệnh viện.
“Người nhà và những người thân của bệnh nhân, người đang giúp việc trong gia đình bệnh nhân đến viện thì chúng tôi không ngăn cản”, ông Lam nói.
Đối với trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Thắng uỷ quyền cho người giúp việc đến chăm nom bệnh nhân tại bệnh viện Hữu Nghị mà Người Đưa Tin đã phản ánh trước đó, bệnh viện cam đoan anh H.V.A (người giúp việc của gia đình anh Thắng) không phải là người thân của gia đình. “Đây là người giúp việc thường xuyên trong bệnh viện”, ông Lam thông tin.
Trước thắc mắc của PV về việc căn cứ vào đâu để bệnh viện khẳng định trường hợp trên không phải người thân? Bệnh viện cho biết người này có cam kết người giúp việc của gia đình này nhưng lại đến chăm sóc người khác.
“Chúng tôi có đội ngũ bảo vệ, điều dưỡng và khoa phòng nắm rất chắc người đó có phải người giúp việc trong gia đình hay không, có phải người thân hay không hay là những người giúp việc tự phát khi có nhu cầu mới nhận là người thân”, ông Lam nói và thông tin bệnh viện có danh sách nhóm người giúp việc tự phát, có giấy cấp phép nằm lưu trong sổ quản lý bệnh viện.
Ông Lam cũng cho biết, quy định của bệnh viện đưa ra mục đích là nhằm tạo nên môi trường bình an cho bệnh viện, tạo điều kiện tốt nhất cho việc hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân.
Phải có chứng chỉ mới được làm giúp việc tại bệnh viện?
Ngay sau khi những thông tin trong bài viết Bệnh viện Hữu Nghị gây khó cho gia đình trong việc chăm sóc bệnh nhân được đăng tải, Người Đưa Tin tiếp tục nhận được nhiều đơn thư phản ánh từ rất nhiều người chăm sóc bệnh nhân.
Theo đó, sau khi thông báo số 150/TB-BVHH của Bệnh viện Hữu Nghị về việc quản lý dịch vụ hỗ trợ chăm sóc người bệnh có yêu cầu tất cả nhân viên của Công ty TNHH Dịch vụ An Care hoặc các cá nhân thực hiện dịch vụ hỗ trợ chăm sóc người bệnh phải tuân thủ một số quy định bao gồm: Khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc các bệnh truyền nhiễm, đăng ký tạm vắng và tạm trú với chính quyền địa phương và chính quyền sở tại và phải có chứng chỉ đào tạo 6 tháng về "Hỗ trợ chăm sóc người bệnh" và "Giao tiếp ứng xử" do đơn vị có thẩm quyền đào tạo cấp.
Nhiều người chăm sóc bệnh nhân tự phát đã được một số người “môi giới” đến và nói rằng để được tiếp tục làm việc tại bệnh viện, sẽ phải nộp thêm phí, bao gồm 1 triệu đồng cho giấy tạm trú và 5 - 10 triệu đồng chứng chỉ chăm sóc bệnh nhân. Mong muốn giữ "miếng cơm", những người lao động tự phát đã đăng ký học chứng chỉ với mức phí 5-10 triệu đồng tại trường Trung cấp Công nghệ Việt Mỹ theo hình thức học online.
Những người này cho biết họ đã đóng số tiền trên cho người tự nhận là nhân viên của Bệnh viện Hữu Nghị. Tuy nhiên, khi học xong, nhiều người vẫn chưa nhận được chứng chỉ. Số khác có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn thì bệnh viện lại không cho phép họ làm việc.
Đặt câu hỏi về việc cấp chứng chỉ, Bệnh viện Hữu Nghị có hợp tác với các trường đào tạo nào để cấp hay không?
Trả lời Người Đưa Tin câu hỏi này, ông Lam cho biết bệnh nhân nằm viện chủ yếu là người cao tuổi, nên việc có sức khỏe, kiến thức để chăm sóc người bệnh là rất cần thiết.
“Chúng tôi chỉ đưa ra yêu cầu như vậy, không làm việc với bất kỳ trường nào hay tổ chức nào để đào tạo hay cấp chứng chỉ đào tạo. Bệnh viện không có chủ trương thu tiền đào tạo hay giới thiệu phải đến nơi này nơi kia”, ông Lam khẳng định.
Về thông tin những người giúp việc đóng phí cho nhân viên của bệnh viện để học chứng chỉ, ông Lam cho biết quan điểm của bệnh viện là không nhận tiền của những người giúp việc.
“Còn việc cá nhân này, nhận cá nhân kia thì chúng tôi không nắm được, chúng tôi không kiểm chứng được”, ông Lam nói và cho biết trước đó đã gặp những cá nhân liên quan và họ cam kết không nhận tiền và quan điểm của bệnh viện nếu phát hiện sự việc và sai phạm sẽ xử lý nghiêm, không bao che cho những việc này.
Đồng thời cho biết, nếu như những người giúp việc tự phát có bằng chứng cụ thể về việc đóng tiền, thì khuyến khích họ đưa ra cơ quan pháp luật.
"Chúng tôi không dung thứ cho nhân viên của bệnh viện thu tiền để lo lót công việc trong viện dưới danh nghĩa của bệnh viện. Còn nếu họ trao đổi ngoài bệnh viện dưới tư cách hai cá nhân với nhau chúng tôi sẽ không can thiệp vào chuyện đó", ông Lam chia sẻ.
Trước dấu hỏi về việc Bệnh viện Hữu Nghị chỉ cho phép Công ty TNHH Dịch vụ An Care thực hiện dịch vụ chăm sóc người bệnh tại bệnh viện? Có lo ngại tình trạng độc quyền hay không?
Về vấn đề này, ông Lam cho biết nguồn người bệnh không nhiều đến mức để các đơn vị đầu tư. Để 2-3 đơn vị cạnh tranh lành mạnh thì cũng sẽ đỡ hơn. Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế không ai đầu tư vì Bệnh viện Hữu Nghị là bệnh viện đặc thù, không có quá nhiều người bệnh.
Ngoài ra, liên quan đến thông tin người giúp việc tự phát bị bảo vệ bệnh viện hành hung, Phó giám đốc Bệnh Viện Hữu Nghị cũng bày tỏ sự bất ngờ và khẳng định không có chuyện xô xát xảy ra, dù với bất cứ lý do gì, hành vi hành hung trong bệnh viện cũng không được phép.
“Nếu sự việc xảy ra bên ngoài bệnh viện tôi không ý kiến nhưng trong bệnh viện dù là nguyên nhân, lý do gì mà bảo vệ hành hung bất kỳ ai cũng không được phép. Nếu có sự việc xảy ra trong bệnh viện mà phòng hành chính quản trị không nắm được, lãnh đạo bệnh viện không nắm được thì bệnh viện sẽ có trách nhiệm trong việc này và sẽ xử lý ngay lập tức nếu có bằng chứng xác thực", ông Lam khẳng định và cho biết, những người bị hành hung có thể phản ánh đến bệnh viện và các cơ quan chức năng để được giải quyết.
Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về những chính sách ưu đãi mà người giúp việc sẽ được hưởng khi làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ An Care, cũng như những yêu cầu tuyển chọn người giúp việc mà đơn vị này đang làm là gì? Có hay không việc người giúp việc có chứng chỉ nhưng không được nhận vào làm? Có thực sự đang gây khó cho người giúp việc hay không? Người Đưa Tin đã liên hệ Công ty TNHH Dịch vụ An Care nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!