Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bí mật bên trong “căn phòng trút giận”, sức thu hút kỳ lạ với bộ phận giới trẻ

"Thay vì tự nhốt mình trong phòng mỗi lần bị stress, phương pháp xả giận này giúp tôi lấy lại cân bằng nhanh hơn", Minh Anh nói.
img-6808-jpg-1735101296-173510-5577-9068-1735108783-1735271353.jpg
Khách trải nghiệm đập, phá đồ trong phòng kín tại một cơ sở "Rage room" ở quận Thanh Xuân, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Anh Nguyễn Văn Hào, 26 tuổi, mở dịch vụ phòng trút giận (Rage room) trên đường Giáp Nhất, quận Thanh Xuân từ tháng 11. Dịch vụ bắt chước mô hình phòng trút giận xuất hiện lần đầu ở Nhật Bản năm 2008, hiện phổ biến ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Argentina, Serbia. Theo đó người chơi được cung cấp quần áo bảo hộ, găng tay, mũ bảo hiểm, dụng cụ đập vỡ chai lọ, đồ điện tử cũ hỏng trong môi trường an toàn, được giám sát. Giá dịch vụ dao động 300.000-600.000 đồng cho một lần sử dụng không giới hạn thời gian.

Khách đến trải nghiệm có thể đi một mình hoặc theo nhóm. Cơ sở chỉ nhận khách trên 16 tuổi bởi nhận thức đầy đủ, biết đảm bảo an toàn.

Chủ cơ sở cho biết khoảng 50% khách tới một mình và lý do muốn giải tỏa phổ biến nhất là đang gặp khó khăn, áp lực trong công việc, tình cảm hoặc gia đình. Người tìm đến chủ yếu là Gen Z, trong độ tuổi 18-26.

Báo VnExpress cho hay, Minh Anh bước vào "phòng trút giận" bắt đầu ra sức đập phá.

"Nạn nhân" của cô gái 21 tuổi trong căn phòng chừng 10 m2 là hàng chục chai thủy tinh, đồ điện tử hỏng, lốp ôtô và những bình sơn xịt hay bút dạ. Sau khi đập nát đám chai lọ, dùng búa "phang" vào cánh cửa gỗ hoặc vào tường, Minh Anh lấy bút dạ vẽ nguệch ngoạc lên bức tường nham nhở hình vẽ graffiti.

Tuần nào cô cũng đến trút giận, chủ yếu sau giờ làm. Minh Anh tỏ ra hài lòng với cách thức giải tỏa này nhưng muốn có thêm các phòng trút giận theo chủ đề riêng, từ công việc đến tình cảm để hợp tâm trạng.

Kim Chi, 23 tuổi cùng bạn trai từ Long Biên đến phòng trút giận ở quận Thanh Xuân. Cô cho biết năm 2024 có nhiều biến động trong công việc và cuộc sống nên muốn tìm nơi "xả xui". Trước khi biết đến dịch vụ, Chi thường chơi game hoặc đi du lịch để giảm áp lực.

Đức Hải, 21 tuổi, ở quận Hoàng Mai là một trong những khách ruột của dịch vụ. Cậu muốn theo nghề đầu bếp nhưng bị bố mẹ bắt học kỹ sư. Mấy năm nay, Hải thường "phân thân" theo hai lịch hoạt động: sáng tới trường, tối lén đi học nấu ăn. Áp lực học hành cùng mâu thuẫn với gia đình khiến Đức Hải thường xuyên trong trạng thái bức bối. Phòng trút giận trở thành cứu tinh của cậu.

Không chỉ ở Hà Nội, mô hình phòng trút giận có khoảng gần chục cơ sở ở TP HCM, bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2024. Trên mạng xã hội, những video chia sẻ về dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng khi tới "Rage room" thu hút hàng triệu lượt xem.

Nhiều bạn trẻ hào hứng và coi đây là cứu cánh, nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng, việc trút giận bằng cách đập phá không phải là cách hay để giải tỏa căng thẳng lâu dài.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Chung, giảng viên Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, dịch vụ phòng trút giận phần nào hữu ích bởi hỗ trợ kịp thời cho người đang gặp căng thẳng, muốn tìm cách an toàn để giải tỏa ngay lập tức.

Tuy nhiên, việc lựa chọn cách giải tỏa có xu hướng bạo lực này về lâu dài ảnh hưởng tiêu cực đến cách ứng xử trước những bức xúc của từng cá nhân.

"Mỗi người nên chọn cách giải quyết vấn đề triệt để như gặp chuyên gia tâm lý, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng, học cách kiểm soát cơn giận và xây dựng chế độ nghỉ ngơi phù hợp", ông Chung nói.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình chia sẻ: “Đúng là trong xã hội hiện đại, nhịp điệu công nghiệp hiện nay thì có rất nhiều môi trường chịu áp lực, không cứ là những nơi công sở, hay chỗ quá bí bách để dẫn đến dồn nén khiến người ta cảm thấy rất khó giải thoát.

Nhiều người sẽ có mong muốn phải đập, phải phá một cái gì đó. Tôi thấy những hình ảnh đập phá của “Căn phòng thịnh nộ” cũng có tác dụng giải tỏa những bí bách trong người.

Đây là một hình thức dịch vụ, giúp con người xả stress như bao dịch vụ khác. Nhưng có điều, đứng trên bình diện của cải sản xuất của xã hội có phải là lãng phí chăng? Ít nhất là từ cách nhìn của xã hội chúng ta”.

Bảo Vy (t/h)