Trước khi kết hôn, tôi thật sự có cảm tình với bố chồng. Ông nói chuyện điềm đạm, tình cảm, luôn giữ vẻ ngoài ôn hòa. Dù mẹ chồng, chồng sắp cưới và cả hàng xóm đều nhắc tôi phải “cẩn thận vì ông khó tính”, tôi vẫn nghĩ họ quá lời. Tôi tin rằng mình sống có ý thức, cư xử lễ phép thì sẽ được ghi nhận.
Nhưng chỉ ngay sáng đầu tiên sau đám cưới, mọi ảo tưởng của tôi sụp đổ.
Tôi dậy từ 5h30 sáng, muốn thể hiện sự chu đáo của nàng dâu mới. Thế mà vừa bước ra khỏi phòng, bố chồng đã ngồi sẵn, mặt lạnh tanh. Ông bảo: “Từ sau con phải dậy trước mẹ chồng. Có học thì phải hiểu điều đó”.
Tôi câm lặng, tủi thân đến ứa nước mắt. Mình có thiếu sót gì đâu, sao lại bị nói nặng lời?
Từ đó, tôi dần cảm nhận được bầu không khí ngột ngạt trong chính ngôi nhà mình đang sống. Tôi rửa bát, ông đứng sau quan sát. Gọt trái cây phải đưa tận miệng từng miếng, mời nhãn thì phải từng quả, không được đưa cả chùm. Tôi mặc gì cũng bị để ý, cắt tóc thì bị chê “xấu mù”. Vợ chồng tôi ở trong phòng, ông không bao giờ gõ cửa cứ đẩy cửa bước vào như chốn không người.
Tôi từng nghĩ mình sẽ cố gắng để dung hòa. Nhưng càng cố, mọi thứ càng nặng nề.
Ảnh minh họa.
Chồng tôi từng kể: “Bạn anh bảo, cưới xong phải đi làm xa ngay, không là không chịu nổi bố”. Mẹ chồng cũng nói thẳng: “Hai đứa cố mà ra riêng, sống chung với bố không nổi đâu, mẹ chịu cả đời rồi”.
Ba người con trai trong nhà, chẳng ai sống gần bố. Tất cả đều chọn đi làm xa, chỉ về đúng dịp Tết.
Vậy mà bố chồng lại không muốn tôi theo chồng ra ngoài, bắt tôi ở lại học làm dâu. Nhưng chồng tôi hiểu tính ông, biết tôi không thể chịu nổi, nên nhất quyết đưa tôi đi. Ông đặt điều kiện: mỗi tuần phải gọi điện hỏi thăm bố mẹ và ông bà. Tôi đều làm đầy đủ, không dám quên. Nhưng đến Tết năm ấy, tôi thật sự kiệt sức.
Tết, vợ chồng tôi về nhà. Tôi định dọn dẹp buổi chiều thì trưa ăn xong, mới 13h30, ông đã đập cửa, lớn tiếng: “Làm dâu mà lười biếng, sao chưa dọn nhà?” Tôi chết lặng. Tôi là con gái thành phố, từ nhỏ chưa từng chẻ lạt hay gói bánh chưng. Nhưng tôi vẫn cố ngồi cùng mẹ chồng buộc bánh đến 23h đêm. Chồng tôi cắt tiết gà, tôi vặt lông dù lần đầu tiên, vẫn cố không để ai phải chê trách. Vậy mà trong mắt bố chồng, tôi vẫn là “đồ vô dụng”.
Mấy ngày Tết, ông chửi bới mẹ chồng suốt. Không khí trong nhà lúc nào cũng nặng trịch. Chồng tôi bị sốt virus, rồi đến tôi cũng lây, mệt rã rời. Vậy mà tôi vẫn phải dậy từ 4h30 sáng để phụ làm gà ngoài sân lạnh. Người tôi run lên, ho, sốt, nôn, không ăn nổi gì. Dù vậy, tôi vẫn chọn đi làm cùng chồng, vì biết nếu ở lại, sẽ không ai quan tâm.
Ra về, tôi lễ phép chào bà nội và mọi người. Vậy mà sau đó, bố chồng quay sang trách tôi chỉ chào bà nội, không chào ông. Chồng tôi nghe xong, lặng người. Anh bảo: “Không cần gọi về nữa. Có cố thế nào, bố cũng không bao giờ hài lòng”.
Ông giận, nhưng không tự nhìn lại. Thay vì trách chính mình, ông đổ lỗi cho tôi: “Con nhà không được dạy dỗ”.
Một lần khác, sau Tết vài tháng, chúng tôi về thăm. Ông nói liên tục suốt ba tiếng, trách móc không ngừng. Tôi vẫn cố nhẫn nhịn, cho đến khi ông nhắc lại chuyện Tết tôi “chỉ chào bà nội”. Tôi bật khóc, nói: “Con hôm đó ốm nặng, đầu óc không tỉnh táo...”
Ông nổi đóa, đập chân giận dữ, quát: “Mày dám cãi lại tao à? Sao không ngất luôn đi?!”
Tôi không gào lại. Chỉ nhẹ nhàng đáp: “Con cũng là con gái. Nếu có gì sai, mong bố chỉ bảo nhẹ nhàng. Không phải con hay các anh không muốn gọi về, mà vì mọi người đều sợ bố”.
Ông càng điên tiết. Làm ầm lên rồi bỏ đi.
Chồng tôi lập tức đưa tôi về nhà ngoại. Mẹ chồng chỉ thở dài: “Tính ông rồ vậy đấy. Mẹ chịu cả đời rồi. Con là dâu, cũng phải chịu thôi”.
Chồng thì bảo: “Bố như vậy rồi, không thay đổi được đâu”.
Tôi không biết mình đã sai ở đâu. Cũng chẳng biết phải làm thế nào để có thể sống yên ổn, vừa lòng nhà chồng mà vẫn giữ được chính mình.
Tôi viết ra những dòng này, không để than thân trách phận, mà chỉ muốn hỏi: "Nếu là bạn – là một người vợ, một người con dâu, một cô gái đã rất cố gắng, bạn sẽ làm gì? Tiếp tục chịu đựng, nhẫn nhịn cho “tròn chữ hiếu”, hay sẽ bước ra để bảo vệ sự bình yên của chính mình?"
Tôi thật sự rất mệt mỏi.