Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm nhiều khí tài, đạn dược và thiết bị quân sự hiện đại. Trong gói viện trợ này có cả bom lượn với tên gọi Joint Standoff Weapon (JSOW). Đây là loại bom lượn dẫn đường chính xác, được đánh giá có thể giúp Ukraine vượt qua các hệ thống phòng không của Nga khi được phóng ở độ cao thấp. Mỗi quả bom lượn dẫn đường chính xác JSOW có giá 500.000 USD.
Theo RBC-Ukraine, loại bom này có thể được phóng từ các tiêm kích F-16 và được trang bị cánh có thể thu gọn, giúp nhắm mục tiêu ở khoảng cách hơn 100 km.
Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, quân đội Nga đã nhiều lần sử dụng bom lượn với mô-đun hiệu chỉnh và những loại bom chính xác này giúp họ đạt được một số thành công.
Trước đây, trong một lần chia sẻ với Newsweek, biên tập viên của chuyên trang quân sự SOFREP Guy McCardle mô tả bom lượn là "loại vũ khí khá thông minh và mang tính khoa học" mà Nga sử dụng để "thả một lượng lớn đạn dược với chi phí tương đối thấp, nhưng lại gây ra nhiều thiệt hại vật chất và tinh thần cho đối phương".
Các loại bom dẫn đường chính xác đã xuất hiện từ Thế chiến II, nhưng bom lượn JSOW mà Mỹ gửi đến Ukraine tiên tiến hơn rất nhiều. Loại bom lượn này được phát triển bởi hải quân và không quân Mỹ. JSOW được thử nghiệm lần đầu vào những năm 1990 và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1999. Nhiều quốc gia đã sử dụng loại bom này, bao gồm Australia, Phần Lan, Hy Lạp, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…, theo RBC-Ukraine.
Bom lượn dẫn đường chính xác JSOW có nhiều biến thể khác nhau như AGM-154A, AGM-154B, AGM-154C…
JSOW là loại bom có thể điều chỉnh đường bay, cho phép tấn công cả mục tiêu cố định và di động. Bom lượn JSOW hoạt động theo cơ chế "phóng và quên", không cần hướng dẫn bổ sung sau khi phóng. Nó sử dụng hệ thống định vị GPS và đầu dò hồng ngoại, cho phép tự động xác định mục tiêu. Các công nghệ này giúp bom chống lại các biện pháp chiến tranh điện tử. Khả năng ẩn mình tốt của bom lượn chính xác JSOW sẽ khiến hệ thống phòng không của Nga khó bắn hạ hơn.
Theo các chuyên gia, tầm bắn của JSOW dao động từ 22 đến 130 km. Vũ khí này nếu được phóng ở tầm cao có thể đạt tầm bắn lên tới 130km, còn phóng ở tầm thấp thì đạt cự ly chỉ 22km. AGM-154 đạt được tầm bắn 130 km khi thả từ độ cao 8 km, ở tốc độ 960 km/h. Các biến thể JSOW-ER, nhờ động cơ phản lực, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 450-500 km, vượt xa tầm bắn của tên lửa Storm Shadow/SCALP EG hiện đang được Ukraine sử dụng.
Máy bay F-16 có thể mang theo tối đa bốn quả bom JSOW. Quá trình chuẩn bị và tích hợp vũ khí cần phải được hoàn tất trước khi máy bay cất cánh. Chuyên gia hàng không Valerii Romanenko cho rằng, bom AGM-154 là đối thủ đáng gờm của bom lượn FAB mà Nga sử dụng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Dmitry Drozdenko, "mỗi loại vũ khí đều tạo ra vấn đề riêng". JSOW là một loại vũ khí mạnh mẽ, có khả năng tấn công nhiều mối đe dọa khác nhau, từ các nhóm phương tiện đến hệ thống phòng không. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế. Càng bay cao, bom càng bay xa. Nhưng đối với các phi công F-16 của Ukraine, bay cao đồng nghĩa với việc dễ bị radar của Nga phát hiện và dễ bị tấn công bởi các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 và S-500.