Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cảnh báo: Dốc ngược người trẻ đuối nước là phản khoa học, có thể gây tử vong

Việc sơ cứu trẻ đuối nước bằng cách dốc ngược là điều rất nguy hiểm vì có thể gây thiếu oxy não.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dù số trẻ em tử vong do đuối nước những năm gần đây đã giảm so với trước, song trung bình mỗi năm Việt Nam vẫn có hơn 2.000 trẻ tử vong vì nguyên nhân này.

Số trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á; và đây là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi

Trẻ tử vong do đuối nước chủ yếu diễn ra trong mùa hè; trẻ ở nông thôn, khu vực thu nhập thấp có tỉ lệ tử vong cao gấp bốn lần trẻ ở thành thị; chỉ 3-4% trẻ từ 6-14 tuổi ở nông thôn biết bơi, trong khi tỷ lệ trẻ cùng độ tuổi ở thành thị biết bơi là khoảng 30%.

1-1752862495.webp
Số trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Báo VnExpress.

Nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là vào dịp nghỉ lễ hoặc mùa hè. Việc sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút. Qua thời gian này, não có thể tổn thương không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay, thông tin trên báo VnExpress.

Thực tế nhiều trường hợp trẻ đuối nước tử vong ngay, hay đưa đến viện không còn khả năng cứu chữa do việc sơ cứu sai cách. Trong đó, hành động dốc ngược trẻ lên vai vô tình khiến trẻ không còn cơ hội sống hoặc gây thêm tổn thương.

ThS.BS Hoàng Ngọc Cảnh – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ trên báo Pháp luật, việc sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay..

"Nhiều người có thói quen dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy sẽ làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt), làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ", bác sĩ Cảnh nhận định.

1-1752862548.webp
Sơ cứu ban đầu góp phần quan trọng trong cấp cứu trẻ đuối nước. Ảnh: Báo Dân trí.

5 bước cấp cứu đuối nước đúng cách

Bước 1: Cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115.

Bước 2. Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách

Bước 3. Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không

Bước 4. Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay: Lúc này, cần đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng. Tiến hành hồi sức tim – phổi (CPR) cho trẻ bằng cách thổi ngạt hoặc ép tim ngoài lồng ngực.

Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh, cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn: Nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh nguy cơ trẻ bị ngạt thở trở lại. 

 

Thu Hương (t/h)