Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Câu chuyện cảm động về những cô giáo trẻ: Dành cả tuổi thanh xuân để "cõng chữ lên non"

Cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thế nhưng, với niềm yêu nghề, nhiều thầy cô giáo vẫn hằng ngày bám làng, bám bản gieo con chữ tại miền núi xa xôi.

16 năm trèo đèo duy trì lớp học ở nơi 7 không

Lớn lên trên mảnh đất Pác Nặm (Bắc Kạn), cô Long Thị Duyên phần nào thấu hiểu những khó khăn người đồng bào nơi đây đã và đang trải qua. Những năm học phổ thông, cô kiên trì mục tiêu vào đại học, rồi làm giáo viên để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ. Cô Duyên thi đỗ ngành sư phạm Mầm non, trường Đại học Sư phạm Hải Phòng (nay là Đại học Hải Phòng).

Vượt quãng đường hơn 300km từ bản làng đến trường đại học, nữ sinh dân tộc Tày khi ấy không ngừng nỗ lực, chăm chỉ học tập và rèn luyện. Năm 2007 cô xuất sắc tốt nghiệp đại học. Cầm trên tay tấm bằng cử nhân sư phạm, cô Duyên chọn xin về gần nhà dạy hợp đồng tại trường Mầm non Bộc Bô.

"Tôi được phân công về dạy ở điểm trường Khẩu Vai, cách trường chính và trung tâm xã chừng 7 km. Ngày ấy, đường vào điểm trường toàn đất đỏ, đi lại khó khăn, nhiều đoạn dốc cao chỉ có thể đi bộ. Từ trung tâm xã đi vào điểm trường mất khoảng 1-2 tiếng", cô Duyên chia sẻ với Báo điện tử VTC News.

4-22113806-1731074640.webp
Cô Duyên trở thành người mẹ thứ hai không thể thiếu tại điểm trường Mầm non Bộc Bố, huyện Pác Nặm. Ảnh: VTC News

Dù sinh ra ở vùng cao, nhưng đến khi trở thành giáo viên, đến tận nơi dạy học, cô Duyên thấm hết những cơ cực của đồng bào nơi đây, cả bản chỉ thấp thoáng vài ngôi nhà gỗ, phụ thuộc hoàn toàn vào ruộng nương. "Những ngày đầu vào điểm trường, lớp được dựng tạm bằng tre, ngày mưa thì dột ước hết sách vở, ngày lạnh thì cô trò co ro ôm nhau sưởi ấm bên bếp lửa giữa lớp, gió rít bốn bề", cô Duyên nói. 

Ngày ấy, các cô giáo thường đùa nhau đây là điểm trường 7 không: không phòng học kiên cố, không thiết bị học tập, không bảng phấn, không điện, không nước, không sóng điện thoại, không thể giao tiếp với học sinh, phụ huynh. Học trò 100% là dân tộc Mông, Dao, các em đến lớp không biết tiếng Kinh, cô trò chỉ có giao tiếp bằng cử chỉ, diễn tả hành động, quá trình dạy học càng gian nan.

Để học trò làm quen với Tiếng Việt tốt hơn, cô Duyên chuẩn bị nhiều tranh ảnh, đồ dùng bắt mắt có chú thích chữ cái gây thích thú để học trò tiếp thu bài giảng hiệu quả hơn.

Hàng ngày, sau giờ học trên lớp, cô Duyên phải dành thời gian đến nhà phụ huynh để vận động cho con đến lớp đầy đủ, không bỏ học. Thậm chí phải cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với nhiều gia đình, họ mới tin tưởng, cho con đến lớp. 

Cuộc sống bám bản gieo con chứ cứ thế trôi, đến nay cũng hơn 16 năm cô Duyên gắn bó với mảnh đất núi rừng này.

Quyết tâm bám trụ với nghề

Cũng gắn bó với miền núi xa xôi, năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thư Sinh được phân công về công tác tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Xác định nhận nhiệm vụ tại vùng khó khăn, cô Sinh đã tự nhủ phải nỗ lực hết mình vì những mầm non tương lai của đất nước.

Theo Báo Lao động, để có thể bám trụ với nghề, cô Sinh đã trải qua rất nhiều thử thách. Nhất là việc sắp xếp sao cho cân bằng việc dạy học trên lớp và việc gia đình.

"Có những hôm đến lớp dạy, mình phải địu con ở trên lưng vì không có ai trông nom. May mắn thay mình được sự giúp đỡ của đồng nghiệp nên cũng vơi bớt phần nào khó khăn" - cô Thư Sinh trải lòng.

Tại điểm trường cô Sinh dạy, đa phần các em vùng cao ngôn ngữ còn nhiều hạn chế khi mà tiếng phổ thông chưa thông thạo. Do đó, để "gieo con chữ" đòi hỏi nhà giáo phải cố gắng tìm ra phương pháp, áp dụng phù hợp với mỗi trẻ.

img-0143-2-1731074568.jpg
Dù còn nhiều khó khăn, cô Sinh vẫn kiên trì đồng hành với các em học sinh miền núi khó khăn. Ảnh: NVCC

Một trong những áp lực mà cô Sinh đề cập tới đó là câu chuyện tiền lương. Cũng chính vì đồng lương ít ỏi nên nhiều đồng nghiệp của cô cũng lặng lẽ bỏ nghề, chuyển ngành.

"Khi mới ra trường, lương của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng. Nghề "gõ đầu trẻ" này không có cơ hội thu nhập thêm như cấp bậc khác trong khi chi phí sinh hoạt trang trải nhiều nên việc đồng nghiệp quyết định dừng lại cũng là điều dễ hiểu" - cô Sinh bày tỏ sự đồng cảm.

Trường mầm non vùng cao thường đối mặt với nhiều khó khăn cả về con người lẫn vật chất. Nhưng điều đó không làm cô Sinh nản lòng hay chùn bước. Bởi cô luôn tâm niệm, sứ mệnh của mình là phải có trách nhiệm với nghề giáo, với các em vì mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non.

Gieo chữ bằng trái tim

Khi đến thăm điểm trường Hoàng Trù Văn (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), mọi người vẫn thường nhắc đến cô giáo trẻ Giàng Thị Mỷ (SN 1995) - người luôn tâm huyết với nghề và dành tình yêu thương cho các em học sinh.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lai Châu, cô giáo Giàng Thị Mỷ thi đỗ viên chức và nhận công tác tại chính quê hương mình. Cô Mỷ cho hay, Hoàng Trù Văn là điểm bản khó khăn nhất của xã, cách trung tâm thành phố 20km, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Sau 3 năm gắn bó, cô giáo trẻ tự nguyện xin ở lại để tiếp tục được giảng dạy tại điểm trường xa nhất của xã. Được biết, bản có 34 hộ dân, nằm rải rác dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, 100% cư dân là đồng bào dân tộc H'Mông.

co-1-1622418752652-1731083048.webp
Cô giáo trẻ Giàng Thị Mỷ tự nguyện xin ở lại dạy tại điểm trường xa xôi và khó khăn nhất vùng biên giới. Ảnh: Báo Dân trí

Cô Mỷ chia sẻ với Báo Dân trí: "Hàng ngày, các em học sinh 3 - 6 tuổi phải đi bộ khoảng 4km đến trường học". Nhiều gia đình nơi đây chưa coi trọng việc học tập, cô giáo Mỷ phải đi bộ, trèo đèo, lội suối đến từng nhà, lên tận nương rẫy gặp phụ huynh vận động cho con em đi học.

Trong thời gian đầu mới về nhận công tác, cô Mỷ phải gửi con để nhờ ông bà chăm sóc. "Mỗi lần tôi đi dạy, con lại khóc. Vì trường không có sóng điện thoại nên rất khó liên lạc về với gia đình", cô Mỷ ngậm ngùi.

Nhớ lại thời điểm khó khăn ban đầu, cô giáo trẻ xúc động: "Mọi sinh hoạt của tôi vỏn vẹn trong căn phòng 3m2, mùa hè nóng như đổ lửa, mùa đông lạnh thấu xương. Nhiều lúc tôi tủi thân, cảm thấy nản lòng nhưng nghĩ thương các em học sinh nên tự động viên mình cố gắng".

Trước đây, cơ sở vật chất tại điểm trường còn thiếu thốn, có duy nhất khung nhà và ít đồ dùng dành cho học sinh mầm non. Hằng ngày, các em phải tự mang cơm đựng trong âu nhựa, túi nilon để ăn.

Bằng tình yêu thương với học sinh, cô giáo trẻ đã chủ động tìm sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, thông qua việc chia sẻ hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt, bữa ăn của các em.

Hiện tại, ngôi trường đã được xây dựng lại khang trang, sạch sẽ, cơ sở vật chất được trang bị đáp ứng nhu cầu học tập. Những bát cơm nguội với muối trắng của học sinh được thay bằng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Phương Thảo (t/h)