Theo đó, từ ngày 1/1/2025, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 15 năm trở lên sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng - thay vì mốc 20 năm như trước. Ngoài ra, người nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, đảm bảo chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Chính sách này mang tính nhân văn, đặc biệt có ý nghĩa với nhóm lao động tự do, lao động lớn tuổi mới tham gia BHXH hoặc có quá trình làm việc không liên tục.
Để thống nhất trong xét duyệt hồ sơ, Luật quy định cách tính tuổi nghỉ hưu trong trường hợp hồ sơ thiếu thông tin:
- Nếu chỉ ghi năm sinh, lấy ngày 1/1 làm căn cứ tính tuổi.
- Nếu ghi tháng và năm sinh, lấy ngày 1 của tháng đó.
Đối với người từng làm việc tại vùng có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên (trước ngày 1/1/1995) hoặc tham gia chiến trường B, C trước 30/4/1975 và chiến trường K trước 31/8/1989, thời gian làm việc này vẫn được tính theo các văn bản pháp luật cũ để đảm bảo quyền lợi.
Ngoài ra, việc xác định tuổi nghỉ hưu sớm (để tính giảm trừ tỷ lệ lương hưu) được phân chia theo điều kiện làm việc:
- Người làm việc bình thường áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64.
Người có ít nhất 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại hoặc ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn áp dụng theo điểm b.
- Riêng người có ít nhất 15 năm làm việc trong khai thác than hầm lò áp dụng điểm c.

Tính lương hưu và điều chỉnh mức lương tối thiểu
Lương hưu hằng tháng tiếp tục áp dụng công thức quen thuộc: tỷ lệ hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Đáng chú ý, những người đã có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên trước ngày 1/7/2025, nếu mức lương hưu thấp hơn mức tham chiếu sẽ được điều chỉnh nâng lên theo Điều 66 của Luật.
Linh hoạt lựa chọn hưởng BHXH một lần
Nghị định 158/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ các trường hợp được rút BHXH một lần, mở rộng quyền lựa chọn cho người lao động. Cụ thể:
- Người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH.
- Người ra nước ngoài định cư.
- Người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng...
- Người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc là người khuyết tật đặc biệt nặng.
- Người không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hoặc không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, những ai đã phục viên, xuất ngũ hoặc thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu cũng có thể đề nghị hưởng BHXH một lần.
Cách tính BHXH một lần chi tiết và ưu tiên quyền lợi người lao động
- Với thời gian đóng trước năm 2014: Mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng lương bình quân.
- Với thời gian từ 2014 trở đi: Mỗi năm tính bằng 2 tháng lương bình quân.
- Trường hợp có thời gian đóng trước và sau 2014: Tháng lẻ được chuyển sang giai đoạn sau năm 2014 để áp dụng mức có lợi hơn.
- Nếu đóng chưa đủ một năm, mức hưởng bằng tổng số tiền đã đóng, nhưng không vượt quá 2 tháng lương bình quân.
Riêng với người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc suy giảm khả năng lao động nặng, mức hưởng còn được tính thêm phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ (nếu từng tham gia BHXH tự nguyện).
Thời điểm tính hưởng BHXH một lần được xác định là ngày cơ quan BHXH ban hành quyết định, đảm bảo sát thực tế và tránh khiếu nại. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần có quyền tự quyết định hình thức nhận phù hợp với hoàn cảnh cá nhân.
Nghị định 158/2025/NĐ-CP được đánh giá là bước tiến quan trọng trong cải cách chính sách an sinh xã hội, vừa mở rộng quyền lợi, vừa tạo động lực tham gia BHXH.