Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chuyên nghiệp hóa đội ngũ "cầm cân nảy mực" trong đấu thầu

Điều kiện về năng lực chuyên môn thực hiện công tác đấu thầu của tổ chuyên gia, tổ thẩm định là một trong những điểm quan trọng tại Luật Đấu thầu 2023. Với khung pháp lý hoàn thiện, đồng bộ, và luật hóa thêm tiêu chuẩn của đội ngũ “cầm cân, nảy mực”, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu kỳ vọng sẽ được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Chuyên nghiệp và chuyên môn là hai trụ cột quan trọng, nếu vận hành đồng bộ, liên kết chặt chẽ với nhau sẽ mang lại hiệu quả cao trong đấu thầu. Để làm được điều này, tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải tuân thủ tuyệt đối trách nhiệm, nghĩa vụ luật định; liên tục cập nhật, nâng cao kiến thức về đấu thầu. Riêng tổ thẩm định phải thực sự độc lập, khách quan thì mới giúp loại bỏ khỏi HSMT những yếu tố làm triệt tiêu tính cạnh tranh, lựa chọn được những đơn vị thực sự có năng lực, đáp ứng mục tiêu đầu tư.

to-tham-dinh-dau-thau-1723018055.jpg
Tổ chuyên gia, tổ thẩm định có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu thầu. Ảnh minh họa.

Theo quy định khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải đáp ứng yêu cầu sau đây: Có chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; Tốt nghiệp đại học trở lên; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Cùng với đó, bộ phận này phải có tối thiểu 3 năm công tác thuộc một trong các lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu: có kinh nghiệm hoặc thực hiện các nội dung liên quan đến kỹ thuật nêu trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc các công việc về tài chính hoặc các công việc về pháp lý.

Mặt khác, các cá nhân thực hiện thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo nhiệm vụ được giao (không bao gồm tư vấn đấu thầu) không bắt buộc có chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu.

Trong trường hợp cần ý kiến của chuyên gia chuyên ngành thì các chuyên gia này không bắt buộc có chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực y tế, trường hợp chủ đầu tư không có nhân sự đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì lựa chọn nhà thầu tư vấn để làm tổ chuyên gia, tổ thẩm định. Trường hợp không lựa chọn được nhà thầu tư vấn thì chủ đầu tư có quyền huy động, giao việc cho các nhân sự là các bác sỹ, dược sỹ, cán bộ quản lý hoặc mời các cán bộ thuộc Sở Y tế, Bộ Y tế và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định mà không phải đáp ứng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu phải đáp ứng mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Thông tư số 02/2024/TT-BKHĐT ngày 6/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chứng chỉ tham gia khóa học về đấu thầu, chứng chỉ đào tạo về đấu thầu được cấp theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đến trước ngày 1/1/2024 có giá trị như chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu quy định tại Thông tư này và tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025. Từ ngày 1/1/2026, cá nhân có nhu cầu cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu phải tham dự thi để được cấp chứng chỉ theo quy định tại Thông tư này.
 


 

Hoàng Thủy (T/H)