Mang tên ngày giải phóng Đà Nẵng
Xuất phát từ trăn trở muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động sau giải phóng và góp phần phát triển kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh, một Tổ hợp Dệt khăn bông với sự tham gia của 38 cổ đông là những người trong giới công thương yêu nước đã ra đời.
Lý giải vì sao đặt tên là Tổ hợp 29/3, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt May 29/3 cho biết: “Hồi ấy bà con cổ đông hầu hết là những nhà kinh doanh thương mại đơn thuần, việc ra đời một cơ sở sản xuất vừa mới, lại vừa khó. Chúng tôi cho rằng nếu quê hương chưa hoàn toàn giải phóng, đất nước chưa độc lập thống nhất thì sẽ không có việc ra đời Tổ hợp này. Chính vì vậy, khi được Ban liên lạc Công Thương thuộc Ủy ban Mặt trận cho phép, chúng tôi đã lấy tên 29/3 – Ngày giải phóng Đà Nẵng đặt tên cho Tổ hợp. Tên gọi này vừa mang tính lịch sử vừa là mục tiêu để chúng tôi phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, đạt được thành công”.
Lúc ấy, để thành lập được Tổ hợp, ông Huỳnh Văn Chính cùng với ông Hà Ngọc Thông là những thành viên của Ban liên lạc Công thương tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã lặn lội vào TP. HCM tìm hiểu rồi mua những máy dệt khăn, đánh ống, hồ sợi, nhuộm... và mời chuyên gia kỹ thuật về Đà Nẵng đào tạo tay nghề.
Ông Huỳnh Văn Chính (ở giữa), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt May 29/3 là một trong những cổ đông đầu tiên thành lập ra công ty.
Ngày 29/3/1976, đúng một năm sau ngày giải phóng Đà Nẵng, Tổ hợp Dệt khăn bông 29/3 chính thức đi vào hoạt động. Những lô khăn mặt đầu tiên của Tổ hợp bắt bắt đầu trình làng và giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng tại các cửa hàng mậu dịch quốc doanh.
Hai năm sau, đơn vị được chuyển thành Xí nghiệp Công tư hợp doanh Dệt 29/3 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng. Xí nghiệp sản xuất hàng triệu sản phẩm khăn bông, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các khách sạn du lịch và người dân trên địa bàn Đà Nẵng mà còn cung cấp một lượng hàng lớn cho các tỉnh miền Trung.
Đến năm 1984, theo đề xuất của xí nghiệp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhất trí chuyển xí nghiệp thành Nhà máy Dệt quốc doanh mang tên Nhà máy Dệt 29/3. Đây cũng là thời điểm nhà máy ký hợp đồng xuất khẩu khăn bông sang Liên Xô và các nước Đông Âu theo Nghị định thư giữa 2 Chính phủ.
Khi đất nước bắt đầu đổi mới (năm 1986), Nhà máy Dệt 29/3 được chọn là đơn vị thí điểm thực hiện quyết định 217CP của Chính phủ về thực hiện quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, tự chủ về tài chính. Nhà máy tổ chức sản xuất 3 ca 4 kíp, xây dựng phương án tiền lương đáp ứng 2200 calo.
Với những cách làm mới sáng tạo và hiệu quả, nhà máy được vinh danh “Lá cờ đầu” của ngành công nghiệp địa phương và nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương các loại, cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương.
Tuy nhiên từ giữa cuối năm 1991-1992 Liên Xô cùng các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, thị trường xuất khẩu sang các nước này chiếm trên 50% tỷ trọng sản xuất tại nhà máy hoàn toàn ngưng trệ. Nhà máy gặp vô cùng khó khăn. Với phương châm “Tự cứu mình trước khi trời cứu”, nhà máy đã kêu gọi mọi người từ lãnh đạo đến công nhân cho nhà máy mượn vốn, ai có ít cho mượn ít, ai có nhiều cho mượn nhiều với tinh thần “Đông tay vỗ nên kêu”. Khi có thêm nguồn vốn, nhà máy đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại, cơ cấu lại sản xuất, đầu tư thêm lĩnh vực may mặc. Nhờ vậy, nhà máy đã giải quyết được việc làm gần 200 lao động dôi dư từ việc thu hẹp ngành sản xuất khăn bông.
Với hai lĩnh vực dệt và may, Nhà máy dệt 29/3 được chuyển thành Công ty Dệt May 29/3 và được quyền xuất nhập khẩu trực tiếp, mở ra cơ hội để công ty đầu tư mở rộng và phát triển thị trường.
Năm 2007, theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp của UBND TP. Đà Nẵng, công ty đã chính thức trở thành một công ty cổ phần với tên gọi mới là Công ty cổ phần Dệt May 29/3, vốn điều lệ là 15 tỷ đồng. Năm 2018, công ty hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng tăng vốn điều lệ lên 51,99 tỷ đồng. Đến năm 2019, Dệt May 29/3 được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và mã cổ phiếu của công ty là HCB.
Tiên phong chuyển đổi xanh
Quý I/2023, Dệt May 29/3 chính thức chấm dứt sản xuất mặt hàng khăn bông vì mục tiêu xây dựng công ty xanh sạch và phát triển bền vững trong lòng TP. Đà Nẵng. Đây là sản phẩm từng gắn bó với hoạt động công ty suốt chiều dài 47 năm, mang thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao và có tỷ trọng doanh thu hơn 20%.
Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt May 29/3 cho biết: “Nhiều năm trước, công ty đã theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2018, công ty đã xây dựng Xí nghiệp May Duy Trung 1 tại Quảng Nam theo mô hình Nhà máy xanh và đến năm 2020, xí nghiệp này đã chính thức được chứng nhận là Nhà máy Xanh bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam”.
Công ty cổ phần Dệt May 29/3 đã xây dựng lộ trình phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ thực hiện quá trình xanh hóa toàn bộ nhà máy tại Đà Nẵng và Duy Xuyên (Quảng Nam).
Để đạt các tiêu chuẩn xanh, công ty cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như: Thực hiện kiểm toán năng lượng (điện, nước, chất thải); nâng tỷ lệ chiếu sáng tự nhiên tại các kho tàng, xưởng sản xuất và văn phòng làm việc; lắp các bồn thu hồi nước mưa để tái sử dụng cho mục đích cung cấp nước làm mát cho hệ thống Cooling Pad tại các nhà xưởng… Nhờ thực hiện các giải pháp trên, Dệt May 29/3 đã đạt được mục tiêu giảm phát thải CO2 về gần bằng 0 vào năm 2023.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã và đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện cơ sở hạ tầng sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Điển hình là việc đầu tư vào Xí nghiệp may Duy Trung 2 tại Cụm công nghiệp Tây An, Duy Xuyên (Quảng Nam) để đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh theo yêu cầu của khách hàng.
Công ty đã xây dựng lộ trình phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ thực hiện quá trình xanh hóa toàn bộ nhà máy tại Đà Nẵng và Duy Xuyên (Quảng Nam), đạt tiêu chí sản xuất xanh của Tổ chức môi trường xanh Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và chủ trương của thành phố.
Về chiến lược thị trường, ngoài việc giữ vững khách hàng truyền thống, công ty sẽ đa dạng hóa thị trường và khách hàng để tìm kiếm và khai thác thêm những khách hàng và thị trường tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và phát triển bền vững theo mục tiêu mà công ty hướng đến.
Đến công ty, mọi người sẽ thấy ngay câu khẩu hiệu hành động được đặt trang trọng trên cao: “Công ty chúng ta không lớn nhất nhưng quyết tâm phấn đấu trở thành một trong những đơn vị uy tín nhất”. Theo lãnh đạo công ty, uy tín mà công ty hướng đến là uy tín với cộng đồng, uy tín với khách hàng và uy tín chính trong cả nội bộ công ty.
Gần 50 năm hình thành và phát triển, Dệt May 29/3 đã khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong ngành công nghiệp Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Công ty vinh dự được nhiều lần đón lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành qua các thời kỳ đến thăm.
Trong lần thăm Công ty cổ phần Dệt May 29/3 vào ngày 8/3/2009, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (sau này là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam) đã ghi vào sổ vàng truyền thống công ty: “Xin nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà tập thể cán bộ công nhân lao động của công ty đã đạt được trong suốt 33 năm qua, góp phần tạo nên uy tín và danh dự của Tổ hợp dệt - Công tư hợp doanh - Nhà máy quốc doanh 29/3 - Công ty Cổ phần Dệt May 29/3, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương Đà Nẵng anh hùng.”