Ngày 23/4, trên mạng xã hội xuất hiện 2 đoạn clip ghi lại cảnh giáo viên bạo hành trẻ mầm non gây xôn xao. Theo báo Người lao động, sự việc xảy ra tại Lớp Mẫu giáo Tí Bo (Phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM). Từ đoạn clip đầu tiên cho thấy, chủ nhóm lớp này đã đè một bé trai xuống sàn nhà, sau đó ngồi đè lên bụng. Mặc dù bé đang khóc lóc sợ hãi nhưng người phụ nữ vẫn cố nhét trái cây vào miệng.
Trong một đoạn clip thứ 2, chủ nhóm lớp còn xô bé trai vào góc dùng vật cứng trên bàn đập vào đầu trẻ, chỉ tay vào mặt dọa tát.
Theo báo Tuổi trẻ, giáo viên thực hiện hành vi là L.T.B.N. (nhóm trưởng, chủ nhóm lớp mầm non này). Ngày 24/4, ngay khi tiếp nhận thông tin, chủ tịch UBND phường Linh Đông, cho biết địa phương đã nắm được vụ việc và đã cử cán bộ phường phối hợp công an phường tiến hành mời chủ cơ sở và giáo viên có liên quan lên làm việc, có hướng xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng giáo dục và đào tạo TP Thủ Đức, chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ cho hay, phòng đã đề nghị Công an TP Thủ Đức vào cuộc xác minh, xử lý.
Để phục vụ công tác điều tra, UBND phường Linh Đông tạm đình chỉ hoạt động cơ sở Tí Bo, xử lý giáo viên liên quan. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Giáo viên mầm non đánh học sinh bị xử lý thế nào?
Tình trạng bạo hành trẻ em, đặc biệt là ở mức độ của giáo viên mầm non, là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự chú ý và giải quyết kịp thời. Bạo hành trẻ em không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm hồn và tinh thần của trẻ.
Có một số nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi bạo hành từ phía giáo viên mầm non, bao gồm áp lực công việc, thiếu kiến thức về phương pháp giáo dục không bạo hành, hoặc cảm giác bất mãn trong cuộc sống cá nhân. Điều quan trọng là cần phải xác định và giải quyết những nguyên nhân này một cách cẩn thận để ngăn chặn việc bạo hành trẻ em.
Để giải quyết vấn đề này, cần có các biện pháp như đào tạo thêm cho giáo viên về kỹ năng quản lý lớp học và kỹ năng giao tiếp hiệu quả, tạo ra môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ em, và xây dựng chương trình giáo dục với phương pháp tích cực, tôn trọng trẻ em và khuyến khích sự phát triển toàn diện của họ.
Giáo viên mầm non đánh học sinh là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
- Giáo viên mầm non đánh học sinh sẽ bị kỷ luật
Theo Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT, trẻ em có quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp, quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ em.
Điều 31 Thông tư này nhấn mạnh, giáo viên mầm non không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em.
Theo đó, giáo viên mầm non đánh học sinh là hành vi vi phạm Điều lệ trường mầm non, vi phạm đạo đức nhà giáo. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục công lập có thể phải chịu một trong các hình thức kỷ luật quy định tại Điều 52 Luật viên chức 2010: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc.
- Mức phạt hành chính
Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hành vi xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
- Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, giáo viên mầm non đánh học sinh mà gây thương tích dưới 11% cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích do thực hiện với người dưới 16 tuổi.
Mức phạt thấp nhất với Tội cố ý gây thương tích là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Xem thêm: Diễn biến mới vụ bé gái 12 tuổi sinh con: Tâm lý bất thường sau 1 tuần xuất viện
Minh Khuê (t/h)