Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đại biểu Quốc hội: Nhà ở xã hội có được bán cho đúng đối tượng?

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra ở Hà Nội, nhiều Đại biểu quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội. Có ý kiến đề nghị rà soát lại ai đang thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở này xem có đúng đối tượng hay không.

Có việc "lách luật" để mua đi, bán lại NƠXH?

Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội "về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết 2023".

PV báo Lao động đưa tin từ phiên thảo luận cho biết, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) dẫn chứng một thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có những người sở hữu nhà ở xã hội (NƠXH) không phải là người trong diện được thụ hưởng ưu đãi này; không phải đối tượng chính sách, không là hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp.

dbqh-nguyen-viet-nga-y-kien-ve-nha-o-xa-hoi-1730107370.jpg

ĐBQH Việt Nga phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

"Có những dự án NƠXH chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán NƠXH đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai là người đang ở trong NƠXH, chắc chắn rằng sẽ thấy có người không đúng đối tượng ưu đãi", đại biểu nêu.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, thực trạng trên có nhiều nguyên nhân như có sai phạm và sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua NƠXH; có việc "lách luật" để mua đi, bán lại NƠXH. Điều này dẫn đến hệ lụy là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận NƠXH hơn.

Do vậy, đại biểu mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong thanh tra, kiểm tra đối tượng sử dụng NƠXH.

Tờ Dân việt cũng dẫn ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh rằng, tại Trang 71 trong Báo cáo chỉ rõ, về cơ bản các sở, ban ngành tuân thủ quy định của pháp luật khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

“Tôi đề nghị bổ sung nội dung là tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu NƠXH và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua NƠXH để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan”, Đại biểu Nga nhấn mạnh.

Đại biểu Nga đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai có hiệu quả các dự án xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đặc biệt ở các vùng tập trung đông khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhu cầu bức thiết về nhà ở dành cho công nhân.

Giá nhà rất cao, đâu là giải pháp?

Bên cạnh vấn đề nóng về NƠXH, nhiều ý kiến cũng tập trung về thị trường bất động sản thời gian qua. Vietnamnet đăng tải, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần phải xây dựng thị trường bất động sản công khai, minh bạch. "Trước đây khi làm Luật Kinh doanh bất động sản, rất nhiều đại biểu đề nghị cần phải tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt đối với tất cả giao dịch bất động sản. Tôi vẫn đề xuất lại phương án này”, đại biểu đoàn Đồng Nai nói.

202410281443168000-z5975348626490-de97dc70e98b7a29629107dbcc804bc5-35262-1730107399.jpg

ĐBQH Trịnh Xuân An. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Trịnh Xuân An đề nghị để đảm bảo thị trường bất động sản ổn định cần có giải pháp tài chính đầy đủ và đồng bộ, trong đó có giải pháp về thuế.

“Chúng ta đã đề xuất rất nhiều lần là cần có thuế đối với tài sản hoặc thuế đối với sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản. Tôi cho rằng, đến lúc này là thời điểm chín muồi để làm đạo luật thuế này. Tôi rất tha thiết đề nghị nghiên cứu các sắc thuế này và xử lý những công cụ mang tính vĩ mô như vậy”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) cho rằng, hiện nay giá nhà tại Hà Nội, TPHCM đang rất cao, ngày càng vượt xa tầm tay với nhu cầu ở thực của những người dân và tình trạng này cũng có phần do các chiêu trò thổi giá của các giới đầu tư. Tuy nhiên, rất khó xử lý vì đó là những giao dịch dân sự và thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Để giải quyết tình trạng trên, đại biểu Nguyễn Văn An nêu ra các giải pháp như dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản, bất động sản thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá nhà.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin về việc xử lý các dự án bị đình trệ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, vai trò của thị trường bất động sản rất lớn.

Ông Ngân phân tích, sau khi kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam ổn định được nền kinh tế vĩ mô, lãi suất thấp thì thị trường bất động sản Việt Nam từ 2014 trở đi phục hồi rất mạnh nhưng trong những năm gần đây là "đóng băng".

"Người dân, người lao động khao khát có nhà ở nhưng rất nhiều nhà bỏ, để trống, nhiều dự án nhà ở bỏ hoang. Đây là vấn đề phải giải quyết", ông Ngân nói.

Theo đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh, vấn đề chống lãng phí không chỉ trong khu vực công mà cả khu vực tư. Ông cho rằng qua việc giám sát lần này phải giải quyết một cách căn cơ vấn đề hệ thống các nhà ở hiện nay, các dự án hiện đang bị "đóng băng". Quốc hội phải có Nghị quyết liên quan đến vấn đề này.