Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đấu giá quyền sử dụng đất: “Cần xem xét áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tiêu cực”

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Cụ thể, tại huyện Hoài Đức giá khởi điểm thấp nhất là 7,3 triệu đồng/m2, bước giá là 6 triệu đồng/m2 nhưng giá trúng thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2, tức là cao hơn 12,5 lần; tại huyện Thanh Oai từ giá khởi điểm 8,6-12,5 triệu đồng/m2, giá trúng cao nhất đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, trong khi khu vực này chưa có chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng.

Từ đó, nhiều luồng dư luận cho rằng, việc trúng giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, đánh giá: “Thực tế cho thấy, hiện tại thị trường bất động sản đang rất khát bất động sản sạch về pháp lý, do vậy nhu cầu đấu giá đất của người dân là rất cao, đồng thời giá khởi điểm thấp dẫn đến thu hút rất nhiều hồ sơ tham gia để tận dụng những lần cuối trước khi giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 được áp dụng”.

dau-gia-1724316177.jpeg
Phiên đấu giá đất tại xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Tuy nhiên, Luật sư Huyền cũng nhận định: việc giá trúng đấu giá cao không đồng nghĩa với nhu cầu của thị trường, mà ngược lại, hoàn toàn có nguy cơ tiêu cực như đẩy giá, đầu cơ trục lợi. Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ giải thích rõ: “Điều đó thể hiện qua việc ngay sau có kết quả đấu giá, nhiều cá nhân trúng đấu giá ngay lập tức chuyển nhượng lại với giá chênh lệch khá cao để chốt lời hàng trăm triệu đồng trên mỗi lô đất”.

Xem xét vấn đề rộng hơn, luật sư Phùng Huyền chỉ ra một thực tế, sau thời điểm tổ chức đấu giá, giá đất vùng ven đô Hà Nội đã tăng lên cao, tạo điều kiện cho những nhà đầu cơ đã mua sẵn các lô đất lân cận hưởng lợi lớn. Ngược lại, người dân có nhu cầu thực: mua ở, sử dụng..., sẽ khó tiếp cận hơn. “Điều đó còn tạo ra khó khăn, gánh nặng cho nhà nước trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án, quy hoạch sau này, làm chậm đi sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Chưa dừng lại ở đó, với mức tiền đặt cọc chỉ bằng 20% giá khởi điểm tạo điều kiện cho việc các đối tượng đầu tư bỏ cọc như từng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh” – bà Phùng Huyền khẳng định.

Theo ý kiến của luật sư Công ty Luật TNHH A+, để hạn chế những hệ lụy có thể xảy đến, các cơ quan chức năng cần xem xét áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực trong việc đấu giá quyền sử dụng đất. Ví dụ như: cho phép tổ chức định giá độc lập để tiến hành xác định giá đất khởi điểm cho phù hợp với giá đất thực tế, tăng tỷ lệ đặt cọc từ 20% lên cao hơn nữa để tránh tình trạng đẩy giá bỏ cọc.

ls-phung-huyen-1724234586.jpg
Luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+.

Riêng đối với vấn đề tiêu cực (nếu có) trong việc đẩy giá cao bất thường, Luật sư Huyền nhấn mạnh: “Cần điều tra xác minh làm rõ việc có hay không có hành vi thỏa thuận quân xanh, quân đỏ nhằm phối hợp đẩy giá đất để trục lợi để xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo Điều 218 BLHS”.

Cụ thể, điều 218 BLHS quy định về “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;

c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg vào ngày 21/8/2024, chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất và kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi. Đồng thời, xử lý và đề xuất xử lý các hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất gây nhiễu loạn thị trường, báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2024.

Cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 2771/UBND-TNMT về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở TN&MT Hà Nội chủ trì phối hợp ngay với các sở, ngành: Tư pháp, Tài chính, Thanh tra TP, Công an TP kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian vừa qua, kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có); báo cáo UBND TP trước ngày 25/8/2024.