Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đề xuất hỗ trợ tiền mặt, hiện vật cho gia đình sinh con một bề, có hai con gái

Trong dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất nhiều chính sách ưu đãi với các gia đình sinh đủ hai con, đặc biệt là trường hợp sinh hai con gái. Các hình thức hỗ trợ có thể bao gồm tiền mặt, hiện vật, nghỉ thai sản và ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội.

Báo Công an Nhân dân đưa tin, sáng 11/7, Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 với chủ đề: "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi".

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng của công tác dân số như: Tốc độ gia tăng dân số được kiểm soát; Việt Nam đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư. 

Đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật nếu sinh hai con gái -0
Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít tinh.

Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên 74,7 tuổi (năm 2024), cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, tư vấn tiền hôn nhân, tầm soát dị tật trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi... ngày càng được củng cố, nâng cao về chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Đó là, tổng tỷ suất sinh giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo (năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ giảm xuống 1,96 con/phụ nữ năm 2023 và 1,91 con/phụ nữ năm 2024, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam). Cùng với đó quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh ở Việt Nam.

Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (tỷ số giới tính khi sinh năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái và năm 2024 là 111,4 bé trai/100 bé gái). Tình trạng mang thai và sinh con ở phụ nữ tuổi chưa thành niên có xu hướng tăng; tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở khu vực Tây Nguyên và Trung du Miền núi phía Bắc vẫn còn rất cao (21,9%).

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt khoảng 65 năm. Tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với vùng thành thị, đồng bằng ...

Đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật nếu sinh hai con gái -0
Bộ trưởng Đào Hồng Lan và các đại biểu ấn nút nút khởi động thông điệp hưởng ứng Ngày Dân số thế giới.

Cùng đó, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam vẫn ở nhóm thấp, so sánh với các nước trên thế giới, đứng ở vị trí 93/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, trước những thách thức về cơ cấu dân số, già hóa, chất lượng sống và bình đẳng giới, Bộ Y tế đang tích cực xây dựng Luật Dân số và chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số giai đoạn 2026 - 2035, đặt con người làm trung tâm của mọi chính sách phát triển.

"Bộ Y tế đề xuất nhiều chính sách mang tính đột phá, đáng chú ý như hỗ trợ tiền mặt hoặc hiện vật với các gia đình sinh con một bề, có hai con gái.

Hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi sinh con; hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con, khi sàng lọc trước sinh và sơ sinh; ưu tiên tiếp cận chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và các hỗ trợ khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.

Quy định chính sách khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc và điều trị dị tật bẩm sinh. Xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi, cấp học bổng và miễn học phí cho sinh viên ngành lão khoa", bà Lan nhấn mạnh.

Lê Vân (t/h)