"Ăn cơm bờ Bắc đánh giặc bờ Nam"
Có một đoạn sông chỉ rộng gần 100m mà một dân tộc phải đi hơn 20 năm mới tới bờ. Có một cây cầu không đắp thành xây lũy mà lại là hàng rào vô hình chia cắt hàng triệu gia đình Việt Nam.
Đó là sông Bến Hải, là cầu Hiền Lương, là khúc ca bi tráng về khát vọng thống nhất non sông mà hàng triệu con người Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu để viết nên ngày độc lập.
Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, sông Bến Hải chảy dọc theo vĩ tuyến 17, qua địa phận huyện Vĩnh Linh và Gio Linh tỉnh Quảng Trị rồi đổ ra Biển Đông ở Cửa Tùng. Tháng 7/1954, khi hiệp định Geneve được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17 nơi dòng sông Bến Hải. Cầu Hiền Lương với vị trí bắc qua đôi bờ cũng trở thành "điểm nối" hai nửa non sông.
Cũng từ đó, suốt 20 năm tranh đấu, mọi tầm ngắm của đạn pháo địch đều hướng về ngọn cờ ở bờ Bắc sông Bến Hải. Để cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên kỳ đài Hiền Lương, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, quân và dân ta đã đánh trên 300 trận lớn nhỏ với không ít hy sinh.
Hoà chung khí thế đó, ngay khi nhận lệnh tổng động viên, năm 1965, lúc vừa tròn 24 tuổi người chiến sỹ Lê Văn Phước (SN 1944, trú tổ dân phố Trung Quý, phường Thạch Quý, Tp.Hà Tĩnh) tạm biệt người vợ trẻ lên đường nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị.
Ông được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324B. Sau một thời gian chiến đấu lập nhiều chiến công, ông được bầu làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Pháo binh.
"Tiểu đoàn chúng tôi mang bí danh "Thu Bồn". Thời điểm đó, địch đặt đài quan sát trên đồi Quân Thiên để quan sát khu vực giáp sông Bến Hải. Chúng tôi nhận nhiệm vụ bắn đạn pháo vào đài quan sát của địch.
Tiểu đội tôi có 12 người, mang theo lương khô, nước uống vào cứ điểm chiến đấu với địch từ 10 – 15 ngày, khi hết lương thực, đạn dược thì quay ra cho tiểu đội khác vào thay. Cứ như thế hai bên bắn nhau ngày đêm không ngừng nghỉ", cựu binh Lê Văn Phước kể lại.
Một sáng mùa Thu năm 1967, ông được giao nhiệm vụ đưa các chiến sỹ bị thương và tử sĩ ra khỏi khu chiến trận. Trên đường đi, đoàn của ông bị quân địch vây ráp, bao vây bằng vòng lửa, nả bom. Người chiến sĩ quê Hà Tĩnh bị một mảnh bom văng trúng vào đầu rồi ngất lịm giữa chiến trường.
"Khi tỉnh lại tôi mới biết mình đã bị bắt, đưa về giam ở nhà tù Đà Nẵng. Trận vây ráp đó, đại đội của tôi hi sinh rất nhiều người. Những chiến sỹ bị thương cũng tử trận", ông Phước rưng rưng nhớ lại.
Đầu năm 1968, cựu binh Lê Văn Phước bị quân địch đưa ra nhà tù Phú Quốc. Bắt đầu những chuỗi ngày "địa ngục trần gian".
Kế hoạch vượt ngục ở nhà tù Phú Quốc
Cựu binh Lê Văn Phước bị giam tại Nhà giam B10 Khu 13 và "chào đón" bằng trận đòn thập tử nhất sinh khi vừa nhập trại.
"Lính Mỹ dùng roi điện, roi cá đuối đánh đập khắp cơ thể tôi. Chúng còn dùng kích điện ngoắc vào tai giật người quay bất tỉnh giữa nền nhà. Cơn đau thấm vào từng thớ thịt nhưng nào đau bằng nỗi đau mất nước. Bị tra tấn đau đớn nhưng ý chí người Cộng sản kiên trung không cho phép chúng tôi cúi đầu", ánh mắt người cựu binh sáng rực lên.
Những ngày tháng địa ngục trần gian bị tra tấn, đánh đập ở nhà tù Phú Quốc đã thôi thúc ông cùng nhiều chiến sỹ lên kế hoạch vượt ngục. Mỗi bữa ăn, ông dành phần cơm cháy để khô rồi đâm nhỏ cho vào tay nải được làm từ ống tay áo để dự trữ lương thực.
Đêm đến, ông cùng anh em thay phiên nhau đào hầm xuyên tường nhà tù. Khi đào được 5km đường hầm thì kế hoạch vượt ngục bị bại lộ. Ông cùng nhiều tù binh bị địch đưa ra hành hạ, tra tấn.
Những trận đòn bằng cán búa được những tên lính Mỹ đô con giáng thẳng xuống hai đôi chân của người cựu binh Lê Văn Phước. Trong số tù binh có những người bị quân địch đánh đến chết. Trận đòn thừa sống thiếu chết khiến hai chân ông gần như tê liệt.
Ông được bạn tù cõng về buồng giam, dùng dầu bôi, bóp, chăm sóc gần một tháng trời mới đỡ. Ông nói: "Nếu không có dầu của các má miền Nam thăm nuôi tù binh để bóp, tôi đã trở thành người tàn tật".
Ngày 2/9/1969, khi đang ở trong nhà tù, từ thông tin của một tên lính cộng hoà, ông cùng anh em chiến sỹ biết được Bác Hồ đã qua đời. Cả nghìn tù binh bật khóc. Một tang lễ mà khăn tang là ý chí người cộng sản, lá cờ tổ quốc khắc trong tim, bài hát Quốc ca được các tù binh hát vang lên trong buồng giam nhà tù Phú Quốc khiến những tên lính Mỹ sững sờ.
"Chúng tôi làm lễ tang Bác, nói về lịch sử hoạt động của Bác, tưởng nhớ công ơn Người và khắc ghi ngày Bác ra đi. Những bài hát Quốc ca, Giải phóng miền Nam được chúng tôi hát vang. Bác mất, anh em tù binh rất đau thương, hụt hẫng nhưng vẫn giữ vững niềm tin sẽ giải phóng được miền Nam, đất nước sẽ thống nhất", người cựu binh tự hào kể lại.
Ngày 16/03/1973, sau khi Hiệp định Paris kí kết, địch trao trả tù binh. Cựu binh Lê Văn Phước được về an dưỡng tại Đoàn 550 tỉnh Ninh Bình rồi trở về quê hương. Lúc này, ông mới biết, thời gian ông bị bắt đưa ra nhà tù Phú Quốc, ở nhà, gia đình ông đã nhận được giấy báo tử của người con trai duy nhất.
Hoà bình lặp lại, năm 2018, ông cùng đoàn cựu binh ra thăm lại nhà tù Phú Quốc. Cảm xúc những ngày tháng địa ngục trần gian lại hiện rõ trong kí ức những người lính. Trong mắt ông, Phú Quốc nay đã trở thành một thành phố lớn, hiện đại.
"Tôi đã đi khắp hết khu vực nhà tù tôi từng bị giam cầm. Nhiều đồng đội tôi đã bật khóc, tôi cũng khóc khi nhìn lại những biểu tượng mô phỏng tra tấn của quân địch. Xót thương cho những đồng đội đã hi sinh dưới gông cùm, đòn roi, tra tấn của kẻ thù. Đau thương nhưng cũng rất đỗi tự hào", đôi mắt người cựu binh đỏ hoe.
Nói về cựu binh Lê Văn Phước, ông Nguyễn Đình Hoà, Chủ tịch hội cựu chiến binh UBND phường Thạch Quý, Tp.Hà Tĩnh cho biết, dù đã ở tuổi 80 nhưng cựu binh Lê Văn Phước vẫn khoẻ mạnh, đôi mắt rất tinh anh. Ông cùng vợ có 3 người con sinh sống tại địa phương, hạnh phúc và luôn gương mẫu làm theo chủ trương, đường lối của Đảng.
"Ông Phước là hội viên hội cựu chiến binh của phường, ông cũng là thương binh hạng 2 nên chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi vào các dịp lễ, Tết. Mỗi dịp lễ, khi có người tới thăm, ông Phước lại kể về những kí ức chiến tranh và ngày tháng bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc với ánh mắt sáng rực như người chiến sỹ của tuổi 24", ông Nguyễn Đình Hoà nói.