Siết điều kiện sản xuất, tăng trách nhiệm pháp lý
Theo Bộ Y tế, sau hơn 15 năm thi hành, Luật ATTP năm 2010 đã bộc lộ nhiều bất cập như chưa thống nhất trong quản lý, công tác hậu kiểm còn lỏng lẻo, giám sát sau công bố chưa thường xuyên. Tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng vẫn phổ biến, gây bức xúc trong dư luận.
Dự thảo Luật mới yêu cầu bắt buộc các cơ sở sản xuất thực phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi... phải đạt một trong các tiêu chuẩn quốc tế như: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC hoặc FSSC 22000. Các tiêu chuẩn này đảm bảo tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đáng chú ý, dự thảo làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của cơ sở đứng tên đăng ký lưu hành sản phẩm. Trong thực tiễn, việc xử lý vi phạm hiện nay gặp khó do chưa có cơ sở pháp lý để yêu cầu đơn vị đăng ký phối hợp xử lý. Việc bổ sung này được kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu quả hậu kiểm và truy trách nhiệm pháp lý rõ ràng hơn.
Ngoài ra, dự thảo kết cấu lại điều kiện bảo đảm an toàn theo hướng cụ thể hóa với từng loại thực phẩm, thay vì chỉ quy định điều kiện chung như trước đây. Điều này giúp hệ thống pháp luật thực phẩm bám sát thực tiễn sản xuất đa dạng hiện nay.

Xiết chặt quảng cáo gian dối, bảo vệ người tiêu dùng
Dự thảo Luật ATTP sửa đổi bổ sung nhiều quy định nghiêm ngặt đối với hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Cụ thể, nghiêm cấm việc quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn, sử dụng hình ảnh, tên tuổi của cơ sở y tế, nhân viên y tế hoặc ý kiến người bệnh để quảng bá sản phẩm.
Người quảng cáo là người có ảnh hưởng (KOL) khi giới thiệu thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi phải công khai rõ ràng mối quan hệ tài trợ. Trường hợp không công khai sẽ bị coi là vi phạm pháp luật, trừ các nội dung đã bị cấm quảng cáo theo Luật Quảng cáo.
Dự thảo cũng bổ sung quy định nghiêm cấm tiết lộ thông tin người mua hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin để truy xuất hàng hóa khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Đây là động thái nhằm tăng cường minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường kỹ thuật số.
Tăng mức phạt, mở rộng chế tài xử lý vi phạm
Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo là việc sửa đổi Điều 6 về mức xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, mức phạt tiền tối đa với cá nhân là 200 triệu đồng, với tổ chức là 400 triệu đồng. Trong trường hợp giá trị vi phạm cao, mức phạt có thể lên tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Bên cạnh xử phạt hành chính, cá nhân và tổ chức vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, nếu gây thiệt hại, các đối tượng vi phạm phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Dự thảo cũng đặt ra yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tùy mức độ, các cá nhân có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.