Theo dự thảo Nghị định, cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban An toàn giao thông quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ đấu giá biển số xe gồm Bộ Công an; các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng Công an nhân dân.
Dự thảo cũng quy định rõ, lực lượng Công an nhân dân được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông từ 70 - 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe.
Các cơ quan khác được sử dụng thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ không thuộc lực lượng Công an nhân dân được ngân sách nhà nước bố trí từ 15 - 30% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự thảo này cũng đã dành một chương quy định nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm chi chung; chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải; chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an nhân dân; chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của địa phương.
Về chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an nhân dân, dự thảo quy định việc chi thực hiện quá trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông. Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm.
Chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xử lý ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h30 đến 8h30, buổi chiều từ 16h30 đến 18h30) tại các thành phố trực thuộc trung ương.
Chi mua sắm phục vụ nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ hiện hành...
Về mức chi cụ thể, dự thảo Nghị định nêu rõ trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hỗ trợ, chi không quá 10 triệu đồng/người bị tử vong, không quá 5 triệu đồng/người bị thương nặng.
Trong dịp Tết Nguyên đán, “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”, chi thăm hỏi không quá 5 triệu đồng/người với nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm, theo dự thảo quy định, chi tối đa 200.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau), tối đa không quá 10 ca/tháng.
Mức chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 100.000 đồng/ca/người, tối đa không quá 15 ca/tháng. Tại TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng chi 100.000 đồng/ca/người, tối đa không quá 10 ca/tháng, TP Cần Thơ chi 100.000 đồng/ca/người, tối đa không quá 5 ca/tháng.
Mức chi hỗ trợ cho người thực hiện kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính, tuần tra kiểm soát trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là 300.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, nội dung và mức chi kinh phí thu từ đấu giá biển số xe cũng được quy định rõ tại Chương III dự thảo Nghị định.
Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.