Tổng thống Litva (Lithuania) Gitanas Nausėda hôm 18/7 xác nhận rằng quốc gia vùng Baltic sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hiện diện của Mỹ trong khu vực nếu ông Donald Trump được bầu làm nhà lãnh đạo mới của Mỹ.
Ông Nausėda cho biết ông sẽ tìm cách thuyết phục chính quyền mới tiếp tục vai trò tích cực của Washington ở khu vực Biển Baltic.
"Tôi đã có kinh nghiệm với chính quyền Trump. Tôi phải nói rằng chúng tôi đã đưa ra những quyết định quan trọng ở NATO để củng cố liên minh", ông Nausėda nói với các phóng viên tại Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) ở Vương quốc Anh hôm 18/7.
Ông lập luận rằng sự hiện diện của Washington ở châu Âu và khu vực Baltic "góp phần vào sự ổn định trong toàn khu vực".
"Nếu có chính quyền mới ở Mỹ, nhiệm vụ của tôi và các đồng nghiệp của tôi sẽ là thuyết phục họ tiếp tục chính sách liên kết xuyên Đại Tây Dương này", Tổng thống Litva nói.
Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) đã quy tụ các nhà lãnh đạo từ 45 quốc gia, bao gồm cả nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky. Sự kiện quốc tế này bị phủ bóng bởi những lo ngại về việc liệu Mỹ có còn là đồng minh đáng tin cậy của châu Âu nếu ông Trump thắng cử hay không.
Theo sau sự bùng phát của xung đột quân sự ở Ukraine, năm ngoái Washington đã tăng cường hiện diện quân sự ở các nước vùng Baltic và thay đổi tình trạng của các lực lượng Mỹ ở Litva thành hiện diện luân phiên liên tục, theo đài truyền hình quốc gia LRT.
Trước đó hôm 18/7, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết ông không tin rằng bất kỳ Tổng thống Mỹ nào sẽ quay lưng lại với Ukraine hoặc từ bỏ NATO với tư cách là liên minh phòng thủ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên.
Khi được hỏi về những đồn đoán gần đây rằng chính quyền tiếp theo của Mỹ có thể rút lại sự ủng hộ đối với Ukraine, ông Store nói với Bloomberg TV: "Tôi sẽ không chấp nhận dự đoán rằng điều đó sẽ xảy ra".
Ông Trump khi đến dự một buổi gây quỹ của Đảng Cộng hòa, tại Palm Beach, Florida, ngày 6/4/2024. Ảnh: AP
Lập trường của ông Trump về Ukraine lại thu hút sự chú ý sau khi ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa tuyên bố ông JD Vance làm người đồng hành tranh cử của mình.
Thượng nghị sĩ 39 tuổi đến từ Ohio trước đây đã lên tiếng về việc rút hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Kiev. Ông Vance từng nói: "Tôi không nghĩ rằng việc tiếp tục tài trợ cho một cuộc chiến không bao giờ kết thúc ở Ukraine là vì lợi ích của Mỹ".
Việc ông Trump có thực sự rút lại sự ủng hộ dành cho Ukraine hay không là "không chắc chắn", bà Olena Borodyna, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức tư vấn ODI của Anh, cho biết.
"Những gì ông Trump nói trong chiến dịch tranh cử và cách ông ấy xử lý vấn đề nếu thực sự trở lại nắm quyền có thể không nhất thiết phải trùng khớp", bà Borodyna nói.
Mặc dù vẫn chưa rõ tình hình thực sự sẽ diễn biến như thế nào, nhưng các chuyên gia lo ngại một động thái như vậy sẽ tạo ra "tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược" đối với Anh và châu Âu.
Điều này sẽ khiến EU và Anh đứng trước 2 lựa chọn: Làm theo Mỹ (cắt viện trợ) hay tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và thu hẹp mọi khoảng trống mà Mỹ để lại, ông Matthew Ford, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Sussex, nói với iNews.
"Châu Âu không có khả năng hỗ trợ Ukraine nếu không có Mỹ – họ chưa sẵn sàng tự mình làm điều đó. Nếu Mỹ rút lại sự hỗ trợ, EU sẽ phải xây dựng năng lực công nghiệp và vũ khí của mình", ông Ford nói.
Bà Borodyna nói với iNews rằng trong trường hợp Mỹ rút hỗ trợ, "các nước vùng Baltic cũng như các nước Trung và Đông Âu như Ba Lan và Romania sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp sự ủng hộ cho Ukraine".
Tuy nhiên, nói về khả năng ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Zelensky cho biết: "Tôi không sợ ông ấy trở thành Tổng thống, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau".