Một bà mẹ ở Hà Nội mới đây bức xúc khi con chị sau 8 ngày tham gia trại hè (chi phí gần 10 triệu đồng) không chỉ bị viêm da, mẩn ngứa mà còn sang chấn tâm lý vì bị bạn bè bắt nạt. Vụ việc khiến nhiều phụ huynh giật mình và đặt câu hỏi: Làm sao để lựa chọn khóa tu, trại hè phù hợp, an toàn cho con? Dưới đây là 5 lưu ý quan trọng cha mẹ không nên bỏ qua:
1. Tìm hiểu kỹ đơn vị tổ chức
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Phụ huynh nên tra cứu thông tin về đơn vị tổ chức qua các kênh chính thống, đọc đánh giá từ gia đình từng gửi con tham gia, hoặc liên hệ trực tiếp để được tư vấn. Một tổ chức uy tín phải có kế hoạch hoạt động rõ ràng, giấy phép phù hợp, đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản và chế độ chăm sóc, giám sát trẻ chu đáo.
Cha mẹ đừng để bị mê hoặc bởi hình ảnh long lanh, lời quảng cáo hấp dẫn mà hãy đặt câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm chính? Có bác sĩ hoặc nhân viên y tế đi kèm? Có hotline khẩn cấp cho phụ huynh không?”.
Phụ huynh nên chuẩn bị tâm lý cho con trước khi đi trại hè.
2. Xác định sự phù hợp với tính cách, nhu cầu của con
Không phải trẻ nào cũng phù hợp mọi loại hình hoạt động. Có trẻ thích vận động, hoạt náo; có trẻ thích tĩnh lặng, đọc sách, học kỹ năng mềm. Ép một đứa trẻ trầm tính tham gia trại thể thao hay bắt một trẻ năng động ngồi thiền nhiều giờ có thể khiến trẻ chán nản, mất hứng thú, thậm chí bị tổn thương tinh thần.
Hãy trao đổi thẳng thắn với con về mong muốn, sở thích, nguyện vọng. Lắng nghe con giúp cha mẹ chọn chương trình phù hợp và khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng, hào hứng tham gia.
3. Chuẩn bị tâm lý cho con trước khi đi
Đừng đợi đến ngày đưa con đến điểm tập trung mới bắt đầu giải thích. Cha mẹ nên chuẩn bị tinh thần cho trẻ trước bằng cách kể về các hoạt động sẽ diễn ra, giúp con hình dung môi trường mới. Nếu là lần đầu con xa nhà, hãy trấn an, đồng hành để con không bị sốc khi thay đổi đột ngột.
Đồng thời, hãy dạy trẻ cách tự chăm sóc bản thân, giữ gìn vệ sinh, bảo quản đồ đạc, xử lý tình huống khi bị bạn trêu chọc, khuyến khích con chia sẻ nếu gặp chuyện không ổn.
4. Không phó mặc hoàn toàn cho ban tổ chức
Nhiều phụ huynh sai lầm khi nghĩ “cứ đưa con đến trại là xong”. Nếu con bạn có vấn đề về sức khỏe, cảm xúc, hành vi, hãy chủ động trao đổi với ban tổ chức để được hỗ trợ. Sự phối hợp giữa gia đình và người phụ trách giúp theo sát trẻ, tránh những tình huống đáng tiếc.
5. Theo dõi, quan sát sau khi con kết thúc chương trình
Khi đón con về, đừng chỉ hỏi “trại vui không?” mà nên dành thời gian quan sát tâm lý, sức khỏe của trẻ. Trẻ có thể không muốn kể ngay, nhưng nếu thấy dấu hiệu như mất ngủ, trầm lặng, mệt mỏi bất thường, hoặc phản ứng tiêu cực khi nhắc đến chuyến đi, cha mẹ cần trò chuyện nhẹ nhàng, không chất vấn. Nếu cần, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.
Khóa tu, trại hè là cơ hội quý giá để trẻ trải nghiệm, trưởng thành, nhưng không phải “liều thuốc bổ” nào cũng phù hợp với mọi đứa trẻ. Cha mẹ hãy là những người đồng hành tỉnh táo, thấu hiểu, để mùa hè của con không chỉ là kỷ niệm đẹp mà còn là bước đệm cho sự phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.