Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Gây thiệt hại 16,6 tỷ, cựu Giám đốc Quỹ tín dụng Nhà Bè hầu tòa

Khi nghe khách hàng than làm ăn khó khăn và muốn mượn lại tài sản thế chấp để đem bán trả nợ vay, Sơn đã đồng ý và tự ký giải chấp nhiều tài sản của khách hàng.

Dự kiến, ngày 25/6 tới đây,  TAND thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án sai phạm xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thị trấn Nhà Bè (Quỹ tín dụng Nhà Bè) ra xét xử sơ thẩm.

Phiên tòa do thẩm phán Đoàn Thị Hương Giang làm chủ tọa.

Cáo trạng của VKSND thành phố Hồ Chí Minh truy tố các bị can Trần Ngọc Sơn (cựu Giám đốc Quỹ tín dụng Nhà Bè); Nguyễn Phương Anh (cựu Kế toán trưởng), Huỳnh Thị Phương Uyên, Đỗ Huỳnh Ngọc Diễm (cùng là cựu Thủ quỹ) cùng về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

2 bị can khác là Phạm Văn Đứng (cựu Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Nhà Bè) và Phạm Thị Hà (cựu Trưởng ban kiểm soát Quỹ tín dụng Nhà Bè bị truy tố, xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

gay-thiet-hai-16-6-ty-cuu-giam-doc-quy-tin-dung-nha-be-hau-toa-1719105910.gif
Gây thiệt hại 16,6 tỷ, cựu Giám đốc Quỹ tín dụng Nhà Bè hầu tòa

Biết sai nhưng vẫn thực hiện

Theo cáo trạng, ngày 1/7/2020, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thanh tra Quỹ Tín dụng Nhà Bè trong giai đoạn 1/1/2019 đến 30/6/2020.

Qua đó, phát hiện bị can Trần Ngọc Sơn trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh có nhiều sai phạm như: Cho vay không có tài sản đảm bảo; sử dụng tiền, tài khoản của Quỹ Tín dụng Nhà Bè không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại. Cơ quan thanh tra đã chuyển kết quả thanh tra đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh để điều tra, làm rõ.

Xác định các sai phạm tại Quỹ tín dụng Nhà Bè có dấu hiệu hình sự nên Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can để điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2018, bị can Sơn đã ký hợp đồng tín dụng cho 42 khách hàng cá nhân vay tiền Quỹ Tín dụng Nhà Bè tổng cộng 19,75 tỷ đồng (số tiền vay từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo là các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tỉnh Đồng Nai, Long An và thành phố Hồ Chí Minh.

Các khoản vay này hiện còn dư nợ quá hạn gốc hơn 16,6 tỷ đồng, nhưng Quỹ Tín dụng Nhà Bè không còn lưu giữ bản chính các Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, các bất động sản do người vay thế chấp.

Trong quá trình điều tra, bị can Sơn khai, sau khi vay vốn, nhiều khách hàng nói làm ăn kinh doanh khó khăn, muốn mượn lại Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất để bán đất và trả tiền cho Quỹ Tín dụng Nhà Bè.

Do đó, Sơn đã tự ý ký giấy xóa thế chấp và chỉ đạo thủ quỹ trả Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khách hàng. Nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên khách hàng chưa bán được đất hoặc bán đất thấp hơn số tiền đang nợ tại Quỹ tín dụng Nhà Bè.

Sơn còn cử cán bộ tín dụng mang giấy xóa thế chấp đến gặp người mua đất, để khách hàng bán đất tại Long An. Do tiền bán đất không đủ trả khoản vay, Sơn đã thu tiền mặt, phần còn lại cho khách hàng viết giấy nợ.

Đối với các hồ sơ vay tại huyện Long Thành, Đồng Nai, khi nghe khách hàng muốn mượn lại Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất để bán mới có tiền trả nợ, Sơn chủ động tạo điều kiện bằng cách xóa thế chấp, chỉ đạo thủ quỹ trả Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng.

Đồng thời, che giấu bằng cách chỉ đạo lập các hồ sơ vay khống nhằm cân đối sổ sách.

Có nhiều đồng phạm giúp sức

Bị can Nguyễn Phương Anh với vai trò Kế toán trưởng dù biết rõ các hợp đồng chưa được thanh lý, nhưng Sơn đã bàn giao các tài sản đảm bảo cho khách hàng, làm âm quỹ tiền mặt trong hoạt động tín dụng từ năm 2012, nhưng Phương Anh không báo cáo cho hội đồng quản trị hoặc tố giác sự việc với cơ quan chức năng.

Để giúp Sơn che giấu sai phạm, Phương Anh đã lập các báo cáo tài chính khống thể hiện tình hình kinh doanh có phát sinh lợi nhuận liên tục từ năm 2012-2019 theo chỉ đạo của Sơn, tạo điều kiện cho Sơn thực hiện hành vi phạm tội trót lọt trong một thời gian dài.

Bị can Huỳnh Phương Uyên và Đỗ Huỳnh Ngọc Diễm với vai trò thủ quỹ đã ký các chứng từ thu, chi và hồ sơ kế toán khống để che đậy hành vi sai phạm, giúp Sơn thực hiện hành vi phạm tội. 

Trong đó, bị can Huỳnh Thị Phương Uyên làm thủ tục giải chấp tài sản của 17/42 hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Quỹ tín dụng Nhà Bè 5,7 tỷ đồng. Bị can Đỗ Huỳnh Ngọc Diễm làm thủ tục giải chấp tài sản đảm bảo của 14/42 hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Quỹ tín dụng Nhà Bè 4,8 tỷ đồng.

Bị can Phạm Văn Đứng đã không thực hiện đúng chức trách giám sát và kiểm tra theo quy chế hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè, dẫn đến không kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi sai phạm của bị can Sơn.

Bị can Phạm Thị Hà đã không kiểm tra, giám sát nên tạo điều kiện cho bị can Sơn giải chấp hết các tài sản đảm bảo của các hồ sơ vay.

Sau đó, các tài sản này đã bị sang tên cho cá nhân khác, nhiều khoản vay đến nay không còn tài sản đảm bảo, không có khả năng thu hồi; gián tiếp gây thiệt hại cho Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè hơn 16,6 tỷ đồng.

Võ Công Thư/Người đưa tin