Dấu hiệu chênh lệch “khủng”
Trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính (sau đây gọi tắt là trung tâm Mua sắm – PV) thuộc sở Tài chính Hà Nội là đơn vị được giao tổ chức nhiều gói thầu, trong đó có những gói thầu giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình, theo Quyết định số 52/QĐ-TTMSTSC ngày 27/7/2022, Giám đốc trung tâm Mua sắm Hoàng Tuân phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 01/TS1: Mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung đợt 1 năm 2022 có giá trị 211.481.280.000 đồng (Hai trăm mười một tỷ, bốn trăm tám mươi mốt triệu, hai trăm tám mươi nghìn đồng). So với giá dự toán thì sau đấu thầu, gói này tiết kiệm được 1.589.820.000 đồng, đạt tỉ lệ 0,75%.
Đơn vị trúng thầu là liên danh nhà thầu công ty TNHH Phát triển Thương mại và Kỹ thuật Toàn Cầu - công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển TGI Hà Nội - công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Cường - công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tân Hồng Hà.
Nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu cũng như đối chiếu kí hiệu, xuất xứ, phóng viên nhận thấy có hiện tượng cao hơn nhiều so với thị trường.
Có thể kể đến như, bộ máy vi tính để bàn cấu hình 4 có đơn giá tại gói thầu là 15.000.000 đồng/bộ, thị trường đang bán bộ máy tính với đầy đủ yêu cầu của trung tâm Mua sắm với giá dao động trong khoảng 9.850.000 - 11.150.000 đồng/bộ. Với số lượng 3.088 bộ, tổng số tiền chênh lệch khoảng 11.888.800.000 đồng - 15.903.200.000 đồng (khoảng trên 11,8 đến gần 16 tỷ đồng).
Máy tính để bàn cấu hình 2b có đơn giá tại gói thầu là 13.650.000 đồng/bộ. Phóng viên liên hệ với một đơn vị uy tín chuyên cung cấp máy tính đồng bộ thì nhận được báo giá của mã sản phẩm này là 11.460.000 đồng/bộ (bao gồm lưu điện và chuẩn theo các yêu cầu kỹ thuật mà chủ đầu tư đưa ra), thấp hơn 2.190.000 đồng/bộ mà trung tâm Mua sắm đã phê duyệt. Với số lượng 2.052 bộ, tổng số tiền chênh lệch là 4.493.880.000 đồng (gần 4,5 tỷ đồng).
Cấu hình 2a: Máy tính để bàn (Không bao gồm lưu điện) có đơn giá trúng thầu 12.650.000 đồng còn giá thị trường 10.670.000 đồng. Số tiền chênh lệch gần 2,3 tỷ đồng khi tính trên số lượng mua sắm là 1.160 bộ.
Máy scan 2 mặt (Model:Fujitsu SP-1120N) có đơn giá tại gói thầu 8.800.000 đồng/chiếc, thị trường đang bán sản phẩm này với giá 6.800.000 đồng/chiếc. Với số lượng 76 chiếc, tổng tiền chênh lệch là 158.080.000 đồng.
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên biết được model Fujitsu SP-1120N có giá nhập khẩu về Việt Nam chỉ 5.036.694 đồng (mức giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu). Nếu lấy mức giá này để so sánh, tổng số tiền chênh lệch của 76 chiếc máy scan là 342.020.216 đồng.
Ở một góc nhìn khác, nhiều sản phẩm trong gói thầu cũng được nhập khẩu về Việt Nam với giá thấp hơn rất nhiều. Chi tiết được thể hiện trong bảng dưới đây:
Máy in Laser Canon LBP 2900 có đơn giá tại gói thầu là 4.500.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, phóng viên khảo sát thị trường thì được đơn vị cung cấp công khai giá là 3.900.000 đồng/chiếc. Với số lượng 111 chiếc, tổng số tiền chênh lệch là 994.500.000 đồng.
PV mới nghiên cứu và so sánh 24/42 sản phẩm của gói thầu đã có dấu hiệu đội giá so với thị trường, số tiền chênh lệch khoảng 25.831.430.000 đồng (Hai mươi lăm tỷ, tám trăm ba mươi mốt triệu, bốn trăm ba mươi nghìn đồng).
Cần nói rõ thêm rằng, thời điểm PV khảo sát giá thị trường gần với thời điểm thực hiện gói thầu, các đơn vị báo giá đều cam kết cung cấp hàng chuẩn theo yêu cầu kỹ thuật giống E-HSMT của chủ đầu tư, hàng chính hãng 100% đi kèm các giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và chế độ bảo hành, bảo trì đầy đủ. Các mức giá dùng để so sánh cũng đã được tính thuế VAT và chi phí vận chuyển theo đơn đặt hàng.
Vẫn biết rằng, giá một sản phẩm đôi khi còn phụ thuộc vào cả những yếu tố như xuất xứ, thương hiệu, cũng như các chế độ bảo hành, bảo trì theo hàng… Nhưng thiết nghĩ, nếu nhà thầu dựa theo đúng yêu cầu kỹ thuật mà chủ đầu tư đưa ra để chào giá sản phẩm và trúng thầu thì ngân sách Nhà nước đã có thể tiết kiệm được nhiều tỷ đồng.
Nhằm đóng góp thông tin hữu ích, giúp trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư công, PV đã liên hệ làm việc với đơn vị này nhưng không nhân được phản hồi.
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật về nội dung này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, con số chênh lệch lên đến gần 26 tỷ đồng là rất “giật mình”.
“Tôi nghĩ nếu gói thầu được thực hiện một cách minh bạch, không có gì bất thường, khuất tất thì chủ đầu tư cũng như bên mời thầu và các nhà thầu đều sẵn sàng lên tiếng để “minh oan” cho mình trước những nghi vấn từ dư luận.
Hiện nay, có nhiều gói thầu tồn tại hiện tượng tiêu cực, có những vụ án vi phạm nghiêm trọng quy định về đấu thầu, gây thất thoát lớn tài sản ngân sách Nhà nước. Vì vậy, nếu xuất hiện thông tin về những dấu hiệu bất thường thì các cơ quan chức năng liên quan cũng cần vào cuộc ngay để làm rõ. Bởi vì việc làm rõ chắc chắn sẽ giúp ích cho công tác quản lý nói chung và công tác đấu thầu nói riêng được hiệu quả hơn.
Nếu trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính im lặng thì thiết nghĩ sở Tài chính Hà Nội cần có những chỉ đạo quyết liệt để làm rõ với tư cách và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chủ quản đơn vị này”, vị chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.
Nhà thầu đều là “gương mặt ruột”
Theo tìm hiểu của PV, công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Cường thực hiện 13 gói thầu kể từ khi tham gia mạng đấu thầu Quốc gia thì có tới 8 gói tại trung tâm Mua sắm. Tổng giá trị trúng thầu của 13 gói là 425.994.667.000 đồng, riêng 8 gói tại đơn vị này đã có giá trị tới 423.901.592.000 đồng, chiếm 99,5%.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển TGI Hà Nội trúng 24 gói thầu với tổng giá trị 535.569.449.700 đồng, trong đó, 12 gói tại trung tâm Mua sắm là 525.114.305.000 đồng, chiếm 98%.
Tương tự, công ty TNHH Phát triển Thương mại và Kỹ thuật Toàn Cầu là một gương mặt rất thân quen của trung tâm Mua sắm khi trúng 13/13 gói thầu tại đây với giá trị là 765.994.740.000 đồng, chiếm 88,6% tổng giá trị trúng thầu của 41 gói thầu mà nhà thầu này từng thực hiện (Theo thống kê từ mạng đấu thầu Quốc gia, Toàn Cầu đã tham gia 45 gói thầu, trong đó trúng 41 gói, trượt 4 gói. Tổng giá trị trúng thầu: 864.264.518.400 đồng).
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tân Hồng Hà cũng là cái tên nhà thầu rất quen ở trung tâm Mua sắm khi trúng 11/12 gói từng tham gia tại đây, tổng giá trị trúng thầu là 332.851.189.100 đồng.
Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định: Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; b) Thông thầu; c) Gian lận trong đấu thầu; d) Cản trở hoạt động đấu thầu;đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xácđịnh dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; g) Chuyển nhượng thầu trái phép. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm côngviệc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Dương Thu - Thuận Nguyễn