Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hà Nội: Dấu hiệu môi giới XKLĐ trái phép tại phường Phú Lương – Hà Đông

PV được nhóm môi giới XKLĐ Đài Loan (hoạt động ở địa chỉ 08-LK36 Khu đô thị Phú Lương, Hà Đông) tư vấn mức giá khoảng 200 triệu đồng/suất. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định không cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nào tại địa chỉ này.

Nộp tiền 4 đợt sẽ được bay?

Nhiễu loạn thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ lâu đã là căn bệnh “khó trị”. Tiềm năng lớn trong khi người có nhu cầu đi XKLĐ lại thiếu những thông tin chính xác khiến rất nhiều trường hợp bị lừa đảo, sập bẫy “cò mồi” lao động ngoài nước.

Trước thực trạng này, Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội những năm vừa qua đã rất mạnh tay chấn chỉnh. Kết quả là hàng chục doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoặc bị đình chỉ hoạt động XKLĐ.

Cảnh báo và răn đe là vậy, thị trường môi giới XKLĐ vẫn như nấm mọc sau mưa. Phần vì nhu cầu của người lao động, phần vì chi phí môi giới quá hấp dẫn khiến những đơn vị không được cấp phép đưa người lao động ra làm việc tại nước ngoài bất chấp hoạt động một cách công khai. Nhiều người lao động rơi vào bẫy lừa đảo của các môi giới, hậu quả là "tiền mất, tật mang".

432768865-792421676099576-6381947377104002049-n-chuan-1712377587.jpg
Văn phòng tại địa chỉ 08-LK36 Khu đô thị Phú Lương treo biển tên của 3 công ty.

Theo lời giới thiệu về đơn hàng và mức lương đầy hấp dẫn làm việc tại Đài Loan, trong vai người lao động, nhóm PV được T. chỉ dẫn đến văn phòng công ty có địa chỉ tại số 08 - LK36 Khu đô thị Phú Lương, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội.

T. hướng dẫn nhóm PV cứ vào tầng 1 sẽ có người tiếp đón và được tư vấn cũng như làm các thủ tục liên quan. Khi hỏi công ty của T. tên gì, người này chỉ trả lời ngắn gọn là “công ty Bảo Việt”.

Có mặt tại số 08 - LK36 Khu đô thị Phú Lương, PV quan sát thấy địa chỉ này có gắn biển tên của 3 công ty: Công ty CP đầu tư xây dựng An Việt, Công ty TNHH xây dựng và sản xuất nội thất Thành Đạt và một chiếc biển ghi: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Bảo Ngọc Việt – Văn phòng tư vấn du học và XKLĐ.

Tại tầng 1 của địa chỉ trên, PV được một nhóm môi giới 3 người đưa vào căn phòng nhỏ. Đập vào mắt PV ngay khi bước vào phòng là một chiếc bảng màu trắng ghi danh sách dài tên hàng chục người lao động có ngày bay (cả sắp bay và đã bay).

Đúng như lời T., sau khi hỏi một số thông tin cơ bản, nữ nhân viên tư vấn nhiệt tình cho biết quy trình thực hiện XKLĐ như sau: “Đầu tiên các bạn phải đi khám sức khoẻ hết 850.000 đồng. Việc này bên chị có phòng khám riêng hỗ trợ các em, địa chỉ ở Lương Thế Vinh. Tiếp sau đó, các em phải đóng cọc 3 triệu đồng để bên chị làm hồ sơ, đợt tiếp theo cọc thêm 500 USD (khoảng 12 triệu đồng) nữa".

Cũng theo lời nữ nhân viên, mức lương của đơn hàng thực phẩm khi làm việc tại Đài Loan  khoảng 18-24 triệu đồng/ tháng chưa tính làm thêm giờ.

Nhóm ba người còn giới thiệu thêm về các đơn hàng đi Đài Loan với ngành nghề khác nhau: đóng gói thực phẩm, CNC, linh kiện ô tô,... với mức lương trị giá theo Đài tệ và quy đổi ra Việt Nam đồng dao động từ 18 đến hơn 20 triệu đồng.

xuat-khau-lao-dong-ha-dong-1712225099.jpg
Môi giới tại văn phòng XKLĐ cho biết mức phí đi Đài Loan lao động tuỳ đơn hàng, từ 5.700 USD-6.200 USD.

Hoàn thành khai Form, chúng tôi được 1 nhân viên khác dẫn đi đo chiều cao và cân nặng.

Khi PV đề cập đến chi phí để được đi XKLĐ, nhân viên tư vấn này cho biết tiến độ thu tiền như sau: "Quá trình nộp tiền chia làm 4 đợt. Nếu đạt tiêu chuẩn chiều cao cân nặng thì nộp 3 triệu đồng tiền phí đặt cọc bảo đảm. Sau khi phỏng vấn xong nộp thêm 2 lần 10 triệu đồng. Phí dịch vụ tuỳ thuộc từng đơn hàng khác nhau, ví dụ như ở đơn hàng đóng gói thực phẩm, phí là 6.200 USD (tức khoảng 150 triệu đồng), đơn hàng sản xuất linh kiện ô tô phí 5.700 USD… Trước khi bay từ 3-5 ngày thì em phải hoàn thành phí dịch vụ (tổng chi phí cả 4 đợt khoảng 200 triệu đồng)”.

Sau khi khai form và kiểm tra qua loa về chiều cao cân nặng, nhóm môi giới yêu cầu người lao động nộp tiền cọc 3 triệu đồng vào một tài khoản tên Lê Đình Việt rồi đến phòng khám tại Lương Thế Vinh – quận Thanh Xuân sẽ có người tiếp đón và hỗ trợ.

Đáng chú ý, PV đã nhiều lần gặng hỏi nhóm người môi giới thuộc công ty nào, nhưng họ đều lảng đi. Trước những hành động đáng ngờ này, nhóm PV tiếp tục đi sâu tìm hiểu và bức màn bí mật dần được lộ rõ.

 Địa chỉ không được cấp phép XKLĐ

Được biết, các doanh nghiệp thực hiện hoạt động XKLĐ đều phải được cấp phép bởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Nhóm PV đã liên hệ với doanh nghiệp đầu tiên có bảng tên "Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Bảo Ngọc Việt – Văn phòng tư vấn du học và XKLĐ".

Sau khi tra cứu về Công ty Bảo Ngọc Việt, doanh nghiệp này có tên đầy đủ là Công ty cổ phần nhân lực Bảo Ngọc Việt -  được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp phép hoạt động có địa chỉ tại Liền kề 7 Ô 20 Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan phượng, Tp.Hà Nội.

Đại diện Bảo Ngọc Việt khẳng định với PV, không có văn phòng hoạt động tại địa chỉ 08-LK36 khu đô thị Phú Lương. Biển treo trước cửa công ty có ghi dòng chữ Bảo Ngọc Việt là không chính xác.

Để làm rõ hơn, PV liên hệ tới Cục quản lý Lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đại diện phòng Thông tin Tuyên truyền của Cục cho biết trong danh sách các doanh nghiệp được phép thực hiện XKLĐ đi nước ngoài hoàn toàn không có tên đơn vị nào tại địa chỉ 08-LK36 Khu đô thị Phú Lương, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội.

Trao đổi với PV, đại diện Công an Phường Phú Lương cho biết đã chuyển những thông tin của PV về nhóm người đang hoạt động XKLĐ có dấu hiệu trái phép này tới Phòng Kinh tế - Công an quận Hà Đông.

“Có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Luật sư Dương Văn Phúc, Giám đốc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên HMS cho rằng: “Nếu nhóm người trên thực hiện các thủ tục để đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động mà không đảm bảo điều kiện về giấy phép hoạt động cũng như giấy phép kinh doanh có điều kiện về lao động nước ngoài là trái quy định pháp luật. Vụ việc này nếu xét về góc độ pháp luật hình sự có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đưa thông tin gian dối về hoạt động của doanh nghiệp để thu tiền. Vừa qua các nơi khác đã xét xử nhiều trường hợp về tội danh này có dấu hiệu và hành vi tương tự. Với khung hình phạt có thể lên tới bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt từ 500.000.000 đ trở lên.

Tại Khoản 4 Điều 7 nghị định 12/2022 thì có thể bị xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không phải là trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập hợp pháp hoặc không có Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn”.

Vị luật sư cũng đưa ra lời khuyên: “Hiện nay, cổng thông tin của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công bố danh mục các đơn vị được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Do đó khi tìm hiểu, chúng ta có thể kiểm tra xem năng lực của các đơn vị này. Hơn nữa khi xác lập hợp đồng, người lao động nên đọc kỹ các điều khoản, kiểm tra về đơn vị ký kết để không phải bị lừa xuất khẩu lao động”.

“Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần rà soát lại các đơn vị đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện, khuyến cáo người dân cũng như thông tin chính xác đến tất cả các đơn vị hành chính cấp xã để bà con và mọi người có thể tiếp nhận, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng như phối hợp với bộ công an và các cơ quan thẩm quyền khác  để giải quyết vấn nạn này”, luật sư Phúc kiến nghị.

 

Duy Trung