Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hà Nội ưu tiên xử lý các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông

Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện thành phố còn có rất nhiều công trình cầu dân sinh, cầu tạm, cầu yếu,... đang ở trong tình trạng xuống cấp nhưng chưa được đầu tư.

Cụ thể, có khoảng 55 công trình cầu do thành phố quản lý cần thiết phải đầu tư cải tạo, sửa chữa. Con số này được đưa ra sau quá trình rà soát, đánh giá trên cơ sở hồ sơ quản lý cầu, hồ sơ kiểm định, thử tải…

Đối với các cầu do quận, huyện, thị xã quản lý, UBND các địa phương cũng đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng,... Đến nay, các địa phương đề xuất đầu tư xây dựng mới, thay thế, cải toạ đối với 89 công trình cầu yếu, cầu tạm.

Thời gian qua, ngành GTVT đã tham mưu, đề xuất UBND TP.Hà Nội đầu tư xây dựng các công trình cầu yếu. Tuy nhiên, khối lượng cầu trên địa bàn là khá lớn, mức độ xuống cấp và sự cần thiết đầu tư các cầu là khác nhau, nguồn lực dành cho hệ thống cầu yếu còn hạn chế. 

Trong nhóm các công trình cầu yếu do địa phương đề xuất, có rất nhiều công trình kết cấu tạm bợ, không ổn định do người dân tự dựng lên để đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương buôn bán trong khu vực. 

Cầu Long Biên được ví như "chứng nhân lịch sử" của thủ đô Hà Nội đang dần xuất hiện những biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng

Cầu Long Biên được ví như "chứng nhân lịch sử" của thủ đô Hà Nội đang dần xuất hiện những biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng

Mặt khác, các cầu yếu trên địa bàn Hà Nội có nhiều hư hỏng của kết cấu chịu lực. Theo đó, đối với cầu bê tông cốt thép, hệ thống dầm bị nứt vỡ, đặc biệt tại các vị trí đầu dầm; lớp phủ mặt cầu, khe co giãn, lan can cũng hư hỏng nặng… Còn với cầu thép, các dầm và hệ liên kết ngang hầu hết đều bị rỉ sét, dầm chủ nhiều cầu bị đứt gãy, rỉ thủng… không đảm bảo khả năng liên kết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ngoài ra, nhiều cầu có quy mô mặt cắt ngang chưa đồng bộ với quy mô của tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu. Chiều rộng cầu nhỏ hơn chiều rộng của đường đầu cầu, làm tính chất liên tục của tuyến đường giao thông bị co thắt, gián đoạn.

Đa số các cầu trong danh sách cầu yếu đều phải hạn chế tải trọng do đã được xây dựng từ lâu, kết cấu chịu lực xuống cấp. Nhiều cầu chỉ đủ đáp ứng tải trọng của xe thô sơ, xe máy,... không đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại. Tải trọng bị hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của cả đoạn tuyến. 

Cá biệt nhiều công trình cầu tuy kết cấu đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không cắm biển hạn chế tải trọng, các phương tiện quá khổ quá tải vẫn thường xuyên lưu thông. Đây là nguyên nhân làm cầu ngày càng xuống cấp và nguy cơ sập đổ là khó tránh khỏi.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã đánh giá, phân loại các công trình cầu tạm, cầu yếu thành 3 nhóm để làm cơ sở đề xuất danh mục và thứ tự ưu tiên đầu tư. Trong đó, nhóm 1 là các cầu cần đầu tư xây dựng mới, thay thế cầu cũ; nhóm 2 gồm các cầu còn sử dụng được, cần sửa chữa, cải tạo; nhóm 3 gồm các cầu chưa có phát hiện hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, cần theo dõi, kiểm tra duy tu định kỳ.

Đối với cầu đầu tư xây dựng mới, công tác chuẩn bị sẽ diễn ra trong giai đoạn năm 2024 - 2025. Các đơn vị liên quan lập, thẩm định phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh, trong quá trình đầu tư, ưu tiên các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông phải được xử lý ngay. Công tác duy tu, cải tạo, sửa chữa cầu yếu còn lại sẽ được thực hiện theo kế hoạch hàng năm đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông.

Nguyễn Lâm/Đời sống pháp luật