Cần đột phá
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong việc hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, phù hợp với Luật Chứng khoán (sửa đổi). Việc sửa đổi nhằm khắc phục một số bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả, bảo về quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Dự thảo Nghị định 155 sửa đổi được chia thành 3 nhóm chính sách chính. Một là nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, thống nhất trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Hai là hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, đảm bảo an toàn cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán bền vững. Ba là đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Đối với việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, một số điều chỉnh đáng chú ý có thể kể đến như cho phép cá nhân sử dụng thông tin định danh cá nhân thay cho căn cước công dân hoặc lý lịch tư pháp khi thực hiện thủ tục hành chính, nếu dữ liệu được kết nối với hệ thống của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài, dự thảo đề xuất bãi bỏ yêu cầu đăng ký kinh doanh với văn phòng đại diện, đơn giản hóa hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và miễn nộp báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán.
Các điều khoản về chứng chỉ hành nghề chứng khoán cũng được sửa đổi, chấp nhận chứng chỉ nước ngoài tương đương, cho phép cấp chứng chỉ dưới dạng giấy hoặc điện tử và làm rõ điều kiện cấp lại chứng chỉ bị thu hồi. Ngoài ra, quy trình niêm yết chứng khoán được rút ngắn, giảm từ 90 ngày xuống còn 30 ngày, đồng thời loại bỏ một số yêu cầu về hồ sơ để đẩy nhanh quá trình đăng ký giao dịch. Bộ Tài chính cũng điều chỉnh quy định về hồ sơ giải thể quỹ, bỏ yêu cầu xác nhận của nhà đầu tư, chỉ cần xác nhận của ngân hàng lưu ký và công ty quản lý quỹ.
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các điều chỉnh trong dự thảo Nghị định 155 sửa đổi vẫn chưa thực sự mang tính đột phá, và thậm chí có nguy cơ làm tăng thêm một số thủ tục hành chính. Vị chuyên gia này cho rằng, những thay đổi hiện tại chỉ giải quyết được một phần nhỏ vấn đề, chưa đi vào gốc rễ của những bất cập trong hệ thống thủ tục hành chính của lĩnh vực chứng khoán.
“Các quy định trong Nghị định 155 cũng như dự thảo sửa đổi là không sai, nhưng mức độ có phần thái quá, dẫn tới nhiều bất cập. Tôi cho rằng các quy định cần điều chỉnh theo hướng đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán”, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá.
Tập trung giải quyết từ khâu nộp hồ sơ
Một trong những điều chỉnh nổi cộm trong dự thảo Nghị định 155 sửa đổi là việc rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán, sửa đổi thời hạn tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) vào giao dịch từ 90 ngày còn 30 ngày kể từ ngày sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư trong việc thực hiện các quyền chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường có tổ chức. Theo đó, việc sửa đổi quy định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động niêm yết mới, gia tăng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán trong bối cảnh thị trường khan hiếm hàng hoá mới và chất lượng trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, việc sửa đổi này "không mang nhiều ý nghĩa" khi mà phần lớn doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải vướng mắc lớn ở khâu nộp hồ sơ. Vị chuyên gia này chỉ ra rằng, quy định về rút ngắn quy trình niêm yết chỉ thực sự phát huy tác dụng khi hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp được thông qua. Trong khi đó, trên thực tế, số lượng hồ sơ đang tồn đọng tại UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán là rất lớn, nhưng dự thảo Nghị định 155 sửa đổi lại chưa đề cập đến vấn đề này.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng chia sẻ về một số trường hợp mà ông đã chứng kiến, khi doanh nghiệp tốn 2 - 2,5 năm chỉ trong khâu nộp hồ sơ niêm yết và vẫn nhận được công văn yêu cầu bổ sung giấy tờ sau đó. Điều này cho thấy quy trình nộp hồ sơ hiện tại đang gặp phải những bất cập không nhỏ, gây khó khăn và tốn kém thời gian cho doanh nghiệp.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, giải pháp cho vấn đề này không nằm ở việc sửa đổi từng câu chữ hay ngôn ngữ trong hàng trăm trang tài liệu, mà cần tập trung vào việc đơn giản hóa bộ hồ sơ và các chỉ tiêu mà UBCKNN yêu cầu cho một bộ hồ sơ niêm yết. Ông nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính khiến hồ sơ niêm yết bị "ứ đọng" quá lâu là do có quá nhiều giấy tờ, hồ sơ không thực sự cần thiết.
Thực tế, khoản 1, Điều 110 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của công ty chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm hơn 10 loại tài liệu, giấy tờ. Mặc dù dự thảo mới nhất đã có những sửa đổi, bãi bỏ một số thành phần hồ sơ đăng ký niêm yết nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhưng theo nhiều chuyên gia, những thay đổi này là chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề.
Một số ý kiến cũng cho rằng, nguồn lực tại UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán hiện đang không đủ để đáp ứng nhu cầu thẩm định hồ sơ niêm yết ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng hồ sơ bị tồn đọng và kéo dài quá trình lên sàn của doanh nghiệp. Trong khi đó, dự thảo nghị định lại nhấn mạnh về việc không phát sinh thêm bộ máy, biên chế trong tổ chức thi hành luật, điều này càng làm dấy lên lo ngại về khả năng giải quyết vấn đề.
Trước bối cảnh đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng giải pháp khả thi nhất hiện nay là số hóa và chuẩn hóa các tiêu chí cho một bộ hồ sơ niêm yết, đồng thời cần có quy định cụ thể về thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp, tránh tình trạng kéo dài quy trình lên sàn một cách không cần thiết. Đây cũng là quy định gần như bắt buộc đối với các giao dịch hành chính ở các nước phương Tây.
Theo quy định tại Điều 111 Nghị định 155, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết đầy đủ và hợp lệ, sở giao dịch phải có quyết định chấp thuận niêm yết; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp doanh nghiệp phải chờ đợi từ 6 đến 7 tháng chỉ để nhận được công văn yêu cầu bổ sung hồ sơ niêm yết.
Điều này cho thấy bên cạnh các quy định về thời gian, cần có những chế tài mạnh mẽ hơn đối với các sở giao dịch trong khâu xử lý hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp, để đảm bảo được tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của thị trường chứng khoán, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.