Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Kinh tế Mỹ “khỏe”, nhưng tại sao cử tri vẫn buồn?

Tâm trạng của cử tri sẽ là vấn đề đau đầu cho hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là bà Kamala Harris và ông Donald Trump.

Lạm phát hạ nhiệt, tỉ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng… cử tri không cảm thấy vui. Đó là những gì đang diễn ra ở nền kinh tế số 1 thế giới khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến rất gần.

Mặc dù các chỉ số cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chuyển động theo hướng "lành mạnh", nhiều người Mỹ vẫn bi quan về triển vọng kinh doanh và việc làm. Tâm trạng của cử tri sẽ là vấn đề đau đầu cho hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là bà Kamala Harris và ông Donald Trump.

Thất vọng về giá cả

Khi Ngày bầu cử (ngày 5/11) không còn xa, nền kinh tế Mỹ đã tăng thêm khoảng 100.000 việc làm so với dự kiến vào tháng 9, chứng kiến mức lương tăng thêm và lạm phát tiến gần đến mức mục tiêu 2% do các nhà hoạch định chính sách đặt ra.

Tuy nhiên, gần 1/2 số người được hỏi trong cuộc thăm dò của New York Times/Siena College được công bố hôm 8/10 đã đánh giá tình hình kinh tế hiện tại là "kém". Cuộc thăm dò cũng cho thấy nền kinh tế – đặc biệt là lạm phát – là mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Trong khi bà Harris đã thu hẹp khoảng cách dẫn trước của ông Trump, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri ủng hộ cựu Tổng thống về các vấn đề kinh tế.

Các nhà kinh tế chỉ ra, giá nhà ở vẫn cao kể từ thời đại dịch và mức tăng việc làm không đồng đều là nguyên nhân giải thích cho sự khác biệt giữa dữ liệu kinh tế và và tâm lý cử tri.

Kinh tế Mỹ “khỏe”, nhưng tại sao cử tri vẫn buồn?- Ảnh 1.

Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao và thu nhập trì trệ, cử tri Mỹ đặc biệt quan tâm tới các kế hoạch kinh tế do hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris đề xuất. Ảnh: OCNJ Daily.

Trên tờ New York Times, cô Chrystal Audet, một người sống trong chiếc xe hơi của mình, nói với người phỏng vấn mình rằng, "Thật trớ trêu khi làm việc và kiếm được thu nhập tốt nhưng vẫn không đủ khả năng chi trả cho nhà ở".

Cô Chrystal là một trong số 40-60% người Mỹ vô gia cư có việc làm, có thể mua xe hơi, nhưng vẫn không kiếm đủ tiền để chi trả cho nhà ở, tờ báo Mỹ cho biết.

"Người tiêu dùng nhận thức được rằng lạm phát đã chậm lại, đồng thời họ vẫn thất vọng vì giá cả cao", bà Joanne Hsu, giám đốc khảo sát người tiêu dùng của Viện nghiên cứu xã hội (ISR) thuộc Đại học Michigan, cho biết.

Đối với các chính trị gia, "mục tiêu dễ đạt được là cố gắng nhắm vào mức giá mà mọi người nhìn thấy hàng ngày", nhà kinh tế Ryan Sweet của Oxford Economics cho biết, ám chỉ đến giá thực phẩm và giá xăng.

Lạm phát ở Mỹ đã tăng lên hơn 14% vào năm 1980. Người tiêu dùng ở "xứ cờ hoa" một lần nữa chứng kiến mức giá tăng vọt lên 9,1% vào giữa năm 2022. Ông Sweet nói: "Đối với nhiều cử tri, đó là lần đầu tiên họ trải qua mức lạm phát như vậy".

Trong khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm xuống còn 2,5% vào tháng 8, ông Sweet cho biết "mức giá mới là điều quan trọng đối với người tiêu dùng" chứ không phải số liệu lạm phát.

"Chỉ cần nhìn thấy giá cả tăng đều đặn theo thời gian cũng ảnh hưởng đến tâm lý chung, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình", vị chuyên gia của Oxford Economics nói.

Vấn đề quan trọng đối với lá phiếu

Cử tri vẫn cảm thấy buồn mặc dù Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ phát hiện vào tháng 5 rằng sức mua tăng lên ở mọi nhóm khi thu nhập tăng nhanh hơn giá cả từ năm 2019 đến năm 2023.

Theo nhà bình luận chính trị Robert Reich, các chỉ số kinh tế vĩ mô là đúng, nhưng điều đó chỉ cho biết một phần của câu chuyện. "Nhìn chung nền kinh tế đang cải thiện – nhưng nhìn chung đã trở thành thước đo ít hữu ích hơn về phúc lợi", nhà bình luận chính trị Robert Reich Reich nói.

Các chuyên gia thường chuyển sang các khái niệm hẹp hơn để định nghĩa khái niệm rất lớn và phức tạp về nền kinh tế. Các chỉ số được trích dẫn rộng rãi như GDP thường được coi là đồng nghĩa với chính nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều quan trọng là khi các công ty thăm dò ý kiến hỏi người Mỹ về các vấn đề quan trọng đối với lá phiếu của họ, thì chính nền kinh tế chứ không phải GDP được đưa ra làm lựa chọn để cân nhắc.

Công chúng nghĩ về nền kinh tế theo những cách rất khác nhau, nhưng có xu hướng nhận thức nền kinh tế thông qua lăng kính trải nghiệm cá nhân của họ, chứ không phải thông qua các chỉ số như GDP.

Kinh tế Mỹ “khỏe”, nhưng tại sao cử tri vẫn buồn?- Ảnh 2.

Công chúng có xu hướng nhận thức nền kinh tế thông qua lăng kính trải nghiệm cá nhân. Ảnh: Getty Images.

Có thể đúng là tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát nói chung, bà Hsu của Đại học Michigan cho biết, "nhưng điều đó không nhất thiết đúng với một cá nhân nào đó".

Và thật khó để thoát khỏi ký ức về đại dịch, bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng của Nationwide, cho biết. "Trong những năm mà thu nhập bị giảm, người tiêu dùng phụ thuộc nhiều hơn vào thẻ tín dụng hoặc rút nhiều tiền tiết kiệm hơn", bà Bostjancic nói.

Điều này có nghĩa là hóa đơn thẻ tín dụng cao hơn và nhiều khoản nợ quá hạn hơn, đặc biệt là ở những người có thu nhập thấp hoặc những người trẻ tuổi, làm tăng thêm áp lực như các khoản vay sinh viên, bà Bostjancic bổ sung. Tỉ lệ tiết kiệm trước đại dịch là hơn 7% nhưng hiện ở mức khoảng 5%.

Điều nữa khiến tâm lý cử tri không thoải mái là mức tăng việc làm không đồng đều. Dữ liệu tuyển dụng nói chung che giấu sự khác biệt lớn giữa các ngành, bà Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của ZipRecruiter, cho biết.

Tăng trưởng việc làm tập trung vào một số ít ngành, về cơ bản tất cả các việc làm mới được thêm vào gần đây đều hướng đến các ngành thiểu số "chỉ chiếm 48% việc làm", bà Pollak giải thích.

Hơn 1/2 số người lao động Mỹ còn lại đã chứng kiến "sự tăng trưởng chậm bất thường trong các ngành của họ", vị chuyên gia chỉ ra.

 

Minh Đức (Theo Malay Mail, The Conversation)/Người đưa tin