Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lợi nhuận sụt giảm, tổng nợ tăng vọt, Armephaco thay ghế lãnh đạo

Ông Nguyễn Văn Dũng vừa bị miễn nhiệm sau 14 năm ngồi ghế Tổng Giám đốc, CTCP Armephaco (UPCoM: AMP).

Doanh thu và lợi nhuận Armephaco  đồng loạt sụt giảm

Mới đây, Công ty Cổ phần Armephaco - AMP đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Dũng theo nguyện vọng cá nhân. Được biết, ông Nguyễn Văn Dũng đã đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT của AMP từ năm 2010.

Cùng với đó, AMP thông báo ông Dương Đình Sơn sẽ là tân Tổng Giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật của công ty từ ngày 10/04/2024. Trước đó, ông Sơn là Phó Tổng Giám đốc của AMP từ năm 2012.

1-1712912629.png
Nguồn: AMP.

Trước khi có Tổng Giám đốc mới, AMP đã kết thúc năm 2023 với kết quả không mấy khả quan khi doanh thu và lợi nhuận đồng loạt sút giảm, không thể hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán 2023, AMP ghi nhận doanh thu thuần 1.024 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 950,3 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về 73,8 tỷ đồng.

Trong năm, doanh thu tài chính đạt 1,2 tỷ đồng, tăng 71%; chi phí tài chính tiết giảm 7% về 20,4 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay 17,4 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên kết đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 14%; lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính hơn 5 tỷ đồng, giảm 25%. Các chỉ tiêu khác biến động không đáng kể.

Kết quả, AMP báo lãi ròng 3,6 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. So với kế hoạch đề ra trong năm 2023, doanh nghiệp chỉ hoàn thành khoảng 85% mục tiêu doanh thu và khoảng 64% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Tổng nợ gấp 5 lần vốn chủ

Armephaco (tiền thân là Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Quân đội). Được thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1996, chuyên sản xuất, kinh doanh Dược phẩm và trang thiết bị y tế.

Ngày 23 tháng 6 năm 2010, Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Quân đội thực hiện cổ phần hóa chuyển sang mô hình hoạt động theo Công ty cổ phần với vốn điều lệ là 130 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của AMP gần như đi ngang so với số đầu năm, ghi nhận 1.029 tỷ đồng, tập trung phần lớn tại các khoản phải thu 629,3 tỷ đồng (chiếm 61%) và hàng tồn kho 240,8 tỷ đồng (chiếm 23%). Như vậy, có đến 84% tài sản của AMP nằm tại hàng tồn kho và các khoản phải thu.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng nhẹ 2%, chạm mức 860,2 tỷ đồng, 99% là nợ ngắn hạn. Nổi bật trong đây là các khoản phải trả người bán ngắn hạn 289,4 tỷ đồng (chiếm 33% tổng nợ), vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 370,6 tỷ đồng (chiếm 43%).

Với vốn chủ sở hữu ở mức 169,7 tỷ đồng, tổng nợ của AMP đã gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Kể từ khi được giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2017 đến nay, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty luôn dao động từ 4,06 đến 5,71.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng cho rằng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ đòn bẩy tài chính thì 1/1 được tính là bình thường, lên đến 3/1 đã là đáng báo động.

Việc quỹ nợ gấp 5 lần vốn chủ cho thấy Armephaco  đã sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Nếu không nhanh chóng khắc phục vấn đề này, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt khi tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua.

 

Ngọc Bảo