Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Mất tiền 'oan' vì thiếu hiểu biết về pháp luật Thuế

Ths Nguyễn Văn Tâm, Giảng viên khoa Tài chính - Học viện Ngân hàng, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân FIDT, nhận định, việc hiểu và nắm rõ các văn bản pháp luật về thuế sẽ giúp từng cá nhân tránh được các rủi ro về thuế, đồng thời tối ưu các quyết định trong quản lý tài chính cá nhân.

Mất tiền “oan” vì thiếu hiểu biết

Bà Lê Mai Xuân (37 tuổi, kinh doanh tự do), sinh sống tại quận Tân Phú, TP. HCM mới đây đã chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính về vướng mắc trong câu chuyện nhận di sản thừa kế và đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của mình. Bà Xuân cho hay, sau khi chồng qua đời vì bạo bệnh, bà và hai con thừa kế khối tài sản trị giá khoảng 10 tỷ đồng dưới dạng cổ phần doanh nghiệp (ba mẹ chồng đã mất).

Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về Luật Thuế thu nhập cá nhân, bà phải đóng thuế 10% (tương đương 1 tỷ đồng). Trong khi đó, nếu hợp lý hơn, biết cách chuyển nhượng cổ phần trước khi chồng mất, số thuế phải đóng chỉ là 0,1% (khoảng 10 triệu đồng) theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Huy, sống tại huyện Nhà Bè, TP. HCM cũng chia sẻ về hoàn cảnh thậm chí còn éo le hơn. Cụ thể, do chưa nắm đầy đủ về đối tượng chịu thuế và thu nhập chịu thuế nên ông đã ký hợp đồng dịch vụ với một công ty để trả tiền thay cho các KOL, KOC và ông Huy được hưởng phí dịch vụ trên tổng số tiền đó.

Ông Huy cho biết, khi thực hiện quyết toán thuế TNCN, cơ quan thuế đã hiểu số tiền mà ông nhận từ doanh nghiệp là tiền lương, tiền công.

Do đó, đây là khoản thu nhập phải chịu thuế từ tiền lương, tiền công với bậc thuế lũy tiến. Việc này khiến ông phải nộp thêm số thuế TNCN là hơn 765 triệu đồng, mặc dù chỉ nhận thêm 119 triệu thu nhập.

“Đáng ra trường hợp này, nếu có hiểu biết về thuế thì tôi phải đăng ký là Hộ kinh doanh hay doanh nghiệp, hoặc công ty, thì sẽ tránh được sự cố mất tiền oan như trên”, ông Huy nuối tiếc.

Theo các chuyên gia, những trường hợp nêu trên khá phổ biến trong đời sống hiện nay trong bối cảnh các luật về thuế của nhà nước ngày càng chặt chẽ, đầy đủ nhằm đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong các sắc thuế đối với người dân và doanh nghiệp, tránh thất thu thuế, trốn thuế.

Có thể liệt kê các rủi ro có thể gặp phải đối với thuế TNCN hiện nay như bị chịu mức thuế cao hơn, bị xử phạt, bị ấn định thuế, chưa tối ưu được số thuế phải nộp đảm bảo quy định pháp luật…

Trong đó, nguyên nhân của việc này đến chủ yếu từ thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế khiến cá nhân kê khai thiếu hoặc sai thu nhập chịu thuế. Đồng thời, không có đầy đủ chứng từ, không lưu trữ được đầy đủ các giấy tờ về thuế…

“Với cá nhân, hiểu biết về thuế TNCN là một điều vô cùng quan trọng vừa giúp tuân thủ pháp luật, đảm bảo nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, tránh rủi ro về thuế đồng thời có thể giảm thiểu số thuế phải nộp, tối đa hoá thu nhập sau thuế”, vị chuyên gia nhận định.

Hiểu về luật thuế: Tối ưu quyết định trong quản lý tài chính cá nhân

Trao đổi với VietnamFinance, ThS. Nguyễn Văn Tâm, cho biết, trong bối cảnh kinh tế hiện đại, việc quản lý tài chính cá nhân không chỉ dừng lại ở việc kiếm tiền và tiết kiệm.

Một yếu tố quan trọng không kém, nhưng thường bị người Việt bỏ qua, chính là hiểu biết về pháp luật thuế, nắm vững cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của hệ thống thuế TNCN và tối ưu hóa thuế.

Đầu tiên, ông Tâm cho rằng thuế TNCN có thể phức tạp, nhưng cần hiểu rõ về giảm trừ gia cảnh và tận dụng các khoản giảm trừ đúng pháp luật. Ngoài giảm trừ bản thân, việc đăng ký giảm trừ người phụ thuộc (NPT) có thể làm giảm số thuế đáng kể.

Lưu ý về việc đăng ký NPT, cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ cho cơ quan thuế hoặc tổ chức, cá nhân trả thu nhập (nếu ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức/cá nhân đó) và đăng ký đúng thời hạn. Để tối ưu thuế TNCN cho cả gia đình thì việc chuyển đổi NPT sang người có thu nhập cao hơn trong gia đình là một chiến lược tối ưu thuế TNCN khá phổ biến và hoàn toàn hợp pháp.

“Người có thu nhập cao hơn thường phải chịu thuế suất cao hơn (theo biểu thuế lũy tiến từng phần). Khi được giảm trừ gia cảnh, số tiền thuế giảm đi sẽ lớn hơn so với người có thu nhập thấp”, Ths Tâm gợi ý.

Ths. Nguyễn Văn Tâm cũng nhấn mạnh thêm rằng đối với việc tham gia vào việc đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc mua Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, hãy lưu giữ các giấy tờ để kê khai giảm trừ khi quyết toán, tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng.

Đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học, sẽ được giảm trừ khi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định và lưu trữ các chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.

Ngoài ra, vị chuyên gia FIDT cho biết, đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, hãy lưu ý một số khoản được miễn thuế cần bóc tách để hưởng những ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Tâm, việc lập kế hoạch thuế thông minh cùng với kế hoạch tài chính cá nhân toàn diện là rất cần thiết. Trước hết, cần tìm hiểu các chiến lược đầu tư, chuyển nhượng, thừa kế có thể giúp giảm thiểu số thuế phải nộp một cách hợp pháp.

“Đối với đầu tư và chuyển nhượng bất động sản (BĐS), cần lưu ý về điều kiện: Chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, thời gian tối thiểu tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày và chuyển nhượng toàn bộ sẽ được miễn thuế TNCN”, Ths Nguyễn Văn Tâm nêu dẫn chứng.

Hoặc đối với việc cho, tặng, thừa kế người thân trong gia đình cũng cần có kế hoạch cụ thể nhằm tối ưu hóa số thuế. Đơn cử, thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) giữa những người thân như vợ với chồng, cha mẹ đẻ (nuôi, vợ, chồng)…

Có thể chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế cho người thân chưa từng sở hữu BĐS nào để có thể tận dụng ưu đãi về miễn thuế TNCN đối với chuyển nhượng BĐS của cá nhân chỉ sở hữu duy nhất một BĐS.

Ngoài ra, trường hợp cá nhân có chứng khoán, vốn góp cổ phần và vốn góp đầu tư vào các doanh nghiệp, nếu cá nhân trong gia đình có mong muốn chuyển giao lại cho các cá nhân khác cần lưu ý một số mức thuế suất nhất định. Điều này giúp kế hoạch chuyển giao lại tài sản cho các thế hệ sau được tối ưu về thuế TNCN.

Kế đến, ông Tâm lưu ý thời điểm phát sinh thu nhập để có kế hoạch phân bổ thu nhập hợp lý (nếu có thể). Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh trong kỳ sẽ làm tăng thu nhập tính thuế và kéo theo tăng bậc thuế phải chịu trong biểu thuế lũy tiến.

Trong trường hợp, ước tính thu nhập từ tiền lương, tiền công trong năm nay phát sinh cao, có thể cân nhắc lựa chọn thời điểm nhận được thu nhập từ tiền lương, tiền công của các hợp đồng. Với các công việc phát sinh trải dài trong 2 năm, có thể thay vì phân bổ nhận theo tháng trong năm, có thể điều chỉnh nhận thu nhập một lần vào năm tiếp theo.

Theo Ths Nguyễn Văn Tâm, một điểm nữa phải chú ý là cần tránh các sai lầm trong việc quyết toán thuế TNCN như: lựa chọn sai phương án quyết toán, chậm thời gian kê khai và quyết toán thuế, chưa khấu trừ tại nguồn đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương vãng lai…

“Tối ưu hóa thuế không phải là hành vi trốn thuế, mà là việc tận dụng mọi cơ hội hợp pháp để giảm thiểu số thuế phải nộp, từ đó tối đa hóa thu nhập sau thuế”, Ths Nguyễn Văn Tâm kết luận.

Xuân Thạch/VNF