Những ngày đầu mang thai, tôi gần như kiệt sức. Tôi nghén nặng, ăn không nổi, cân giảm vèo vèo, đi vài bước đã hoa mắt. Mỗi lần tôi nằm thở dốc, mẹ chồng lại chép miệng: “Hồi xưa, tao đi cấy còn đẻ rớt ngoài đồng mà có sao đâu. Đàn bà giờ yếu quá!”. Nghe hoài, tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt, áp lực.
Bà luôn bắt tôi phải ăn thật nhiều “cho cả hai”. Chỉ cần tôi bỏ thừa một chút cháo gà hay chén giò hầm, ánh mắt bà lập tức nặng nề: “Ăn vậy sau này sữa đâu mà cho con bú? Đừng có lười rồi đổ cho cơ địa!”. Trong khi chồng tôi bận công tác miết, chỉ kịp gửi vài tin nhắn “ráng lên em”, tôi lặng lẽ nuốt nước mắt, tự nhủ: “Mẹ lo cho cháu nên mới thế…”.
Tháng thứ 8, bụng tôi đã nặng nề, đi lại khó khăn. Sáng nào mẹ chồng cũng lay tôi dậy sớm để nấu nướng, giặt quần áo sơ sinh. Thấy tôi nằm nghỉ, bà bĩu môi: “Rảnh quá hoá lười”. Khi tôi lướt mạng tìm hiểu cách thở khi chuyển dạ, bà gạt phắt: “Đẻ thôi có gì mà học. Tao xưa đẻ bốn đứa có đọc gì đâu!”.
Ngày tôi chuyển dạ, trời mưa tầm tã. Tôi đau bụng từ nửa đêm, gọi chồng mãi không được. Đành lay mẹ chồng dậy. Bà vội thay đồ, nhưng vẫn dặn: “Đừng có rên la, người ta nhìn vào cười cho!”.
Ảnh minh họa.
Đến viện, bác sĩ thăm khám, giọng nghiêm trọng: thai lớn, ngôi không thuận, cổ tử cung chưa mở – cần mổ. Tôi nghe mà lạnh người. Còn mẹ chồng thì nhảy dựng lên: “Mổ gì? Nhà này toàn đẻ thường, không có chuyện mổ xẻ!”.
Bác sĩ giải thích đây là phương án an toàn nhất, bà vẫn khăng khăng: “Chưa gì đã đòi mổ, bác sĩ thời nay chỉ thích mổ kiếm tiền!”. Tôi nằm bất lực, cơn đau kéo dài, nước mắt ướt gối. Bác sĩ cúi xuống, nhẹ giọng: “Em muốn con an toàn chứ? Ký giấy mổ nhé, chúng tôi sẽ lo cho mẹ con em”. Tôi gật đầu, còn mẹ chồng giận dỗi bỏ ra ngoài.
Trong phòng mổ, tôi khóc không phải vì sợ, mà vì tủi thân. Con gái tôi chào đời lúc 2h chiều, khỏe mạnh, nặng 3,8kg, da hồng hào. Khi bác sĩ đặt con lên ngực tôi, bao nhiêu cơn đau tan biến. Tôi hôn lên trán con, thì thầm: “Chào con. Mẹ xin lỗi vì đã để con nghe những lời cãi vã đầu tiên…”.
Khi tôi được đẩy ra, mẹ chồng đã ngồi chờ. Bà nhìn tôi rất lâu. Tối đó, bà mang vào cốc nước ấm, khẽ nói: “Mẹ… không ngờ bây giờ đẻ khác xưa nhiều vậy. Mẹ lỡ lời…”.
Những ngày sau, bà thức đêm bế cháu cho tôi ngủ, học thay bỉm, lau người cho bé. Đôi khi bà còn rụt rè hỏi: “Cái da kề da con nói còn làm được không?”. Tôi chỉ mỉm cười, thấy ấm lòng. Bởi có những thay đổi lớn lên từ tình thương, chứ không cần đến lời xin lỗi.
Từ sau hôm ấy, giữa tôi và mẹ chồng không còn những khoảng cách âm thầm. Bà vẫn khó tính, vẫn hay bảo “mẹ xưa khác mẹ nay”, nhưng tôi hiểu: bà đang dần học cách yêu thương khác xưa.
Vì đứa cháu. Và vì tôi, người con dâu của bà.