Học sinh tại 7.000 trường công lập ở Philippines đã phải nghỉ học vào tuần trước (15-21/4) do thời tiết nắng nóng bất thường ở nhiều khu vực. Các nhà dự báo cho rằng tình trạng này do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Erlinda Alfonso, giáo viên tại một trường tiểu học công lập thuộc thành phố Quezon chia sẻ: "Một số học sinh nói với tôi là chúng thích đến trường vì ở nhà nắng nóng hơn". Nhiều học sinh của cô sống ở các khu ổ chuột nên không có kết nối Internet để học trực tuyến.
Để khắc phục, giáo viên sẽ giao bài tập ngoại tuyến cho những học sinh không thể truy cập Internet. Tuy nhiên, các em sẽ không thể hỏi ai khi có thắc mắc. "Nếu có điều gì không hiểu, chúng chẳng thể hỏi ai vì bố mẹ hay anh chị cũng phải ra ngoài kiếm sống".
Philippines đã trải qua một trong những đợt đóng cửa trường học lâu nhất thế giới trong đại dịch Covid-19. Điều này làm nổi bật khoảng cách giáo dục mà trẻ em nghèo, không có máy tính hay Internet phải đối mặt.
Nhưng hầu hết các trường công tại đây đều trang bị kém để đối phó với tình trạng nắng nóng, việc học online trở thành lựa chọn an toàn nhất trong điều kiện thời tiết hiện nay. Tại các trường công lập ở Metro Manila, cuộc khảo sát hơn 8.000 giáo viên hồi tháng trước cho thấy 87% học sinh đã gặp phải các vấn đề liên quan đến nắng nóng.
Cuộc khảo sát do hiệp hội giáo viên ACT-NCR thực hiện cho thấy hơn 3/4 giáo viên mô tả cái nóng là “không thể chịu nổi”. Gần một nửa (46%) giáo viên cho biết lớp học chỉ có một hoặc hai quạt điện và các biện pháp thông gió không đủ để đối phó với nhiệt độ tăng cao.
Ruby Bernardo, người phát ngôn của ACT-NCR, nói với Reuters: "Nắng nóng có tác động rất lớn đến trẻ em. Một số học sinh còn gục ngã trong lớp học. Giáo viên cũng phải chịu các tổn thương do nắng nóng nhưng họ thương ưu tiên sức khỏe của học sinh".
Sóng nhiệt nóng hơn và dài hơn
Khi biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng tăng tần suất và nghiêm trọng hơn, những vấn đề mà giáo viên và học sinh ở Philippines cũng sẽ xảy ra ở nơi khác.
Theo UNICEF dự kiến, khoảng 243 triệu trẻ em ở châu Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài và nóng hơn trong những tháng tới. Trẻ em đặc biệt dễ bị say nắng và tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và học tập của các em.
Kể từ khi El Nino bắt đầu, cơ quan thời tiết Philippines đã dự đoán nhiệt độ ở mức “nguy hiểm” lên tới 44 độ C. Các giáo viên Philippines cho rằng cần có nhiều biện pháp hơn để đối phó với tình trạng nắng nóng cực độ ở trường học. Cần giải quyết tình trạng thiếu lớp học và giáo viên, tình trạng quá tải, cung cấp nước uống miễn phí và có y tá hoặc bác sĩ tại trường.
ACT-NCR cũng đã đề xuất quay trở lại lịch học như trước đại dịch ngay lập tức, khi tháng 4 và 5 nắng nóng giảm bớt lại rơi vào kỳ nghỉ kéo dài.
Người phát ngôn Bộ giáo dục Philippines cho biết Bộ này cho phép hiệu trưởng quyết định thời điểm chuyển sang học trực tuyến hoặc ngoại tuyến để "mang lại phản ứng tức thời và hiệu quả hơn đối với điều kiện nắng nóng thay vì những thay đổi đột ngột có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi học tập".
Một số giáo viên cho rằng tình hình hiện tại cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục về biến đổi khí hậu. "Biến đổi khí hậu chưa được giảng dạy một cách toàn diện trong các lớp học của chúng tôi. Nhưng đó là một vấn đề cấp bách liên quan đến tất cả những thách thức khác mà hệ thống giáo dục của chúng tôi đang phải đối mặt", Bernardo nói.
Nhiều giáo viên trường công được trả lương thấp, phải làm việc trong những ngôi trường chật cứng, không máy sưởi hay điều hòa thì họ còn muốn bỏ nghề. "Nắng nóng khiến tôi muốn từ chức hoặc nghỉ hưu sớm", bà Alfonso nói.
Xem thêm: Cảnh báo: Đông Nam Á chịu nắng nóng cực đoan kéo dài, chưa biết điểm dừng trong năm 2024
Bảo Linh (Theo CNA)