“Pháo đài kinh tế” của Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước sự tấn công dữ dội của các lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh của Washington áp đặt, hơn 2 năm kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng có ít nhất một nơi mà “nỗi đau” là rất thật, Bloomberg đưa tin hôm 5/5.
Dự án Artic LNG 2 do Tập đoàn Novatek dẫn đầu, trên Biển Kara băng giá, là một phần quan trọng trong kế hoạch của Moscow nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tái nạp đầy cho “hòm chiến tranh”.
Dự án đã sẵn sàng vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới các thị trường mới – những lựa chọn thay thế cho hoạt động xuất khẩu khí đốt qua đường ống siêu lợi nhuận một thời ở châu Âu. Nhưng các hạn chế ngày càng tăng của Mỹ đã thành công khiến dự án mới trị giá 25 tỷ USD này gần như nằm im.
Mắc kẹt tại chỗ
Nga từ lâu đã tìm cách tăng thị phần LNG toàn cầu. Cuộc chiến ở Ukraine và sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu khí đốt đường ống sang châu Âu kéo theo đó đã khiến tham vọng này càng trở nên quan trọng và cấp bách.
Nhờ các dự án cũ hơn, Nga hiện là nước xuất khẩu LNG lớn thứ 4 trên toàn cầu. Thông qua dự án mới ở Bắc Cực, Moscow muốn tăng sản lượng LNG lên gấp 3 lần vào năm 2030, tăng thêm ít nhất 35 tỷ USD doanh thu hàng năm.
“Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang phát huy hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên”, ông Malte Humpert, người sáng lập Viện Bắc Cực theo dõi hoạt động của Nga trong khu vực trong hơn một thập kỷ, cho biết. “Ở đây, Mỹ thực sự đang đi trước xu hướng. Họ đã chặn Artic LNG 2 trước khi nó kịp bắt đầu sản xuất, chặn các tàu phá băng chở LNG trước khi chúng được bàn giao”.
Kể từ khi Chính quyền Biden áp đặt lệnh trừng phạt đối với dự án Artic LNG 2 của Nga hồi tháng 11 năm ngoái, khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ – vốn đã mua và giao dịch dầu Nga bất chấp những hạn chế hiện có – đã từ chối mua LNG ngay cả khi hàng đã được giảm giá.
Ngay cả các hãng đóng tàu cũng đang gặp khó khăn, với những con tàu chuyên dụng trị giá hàng trăm triệu USD hiện đang mắc kẹt tại các cảng ở Hàn Quốc. Không ai có thể mua hoặc thuê những tàu phá băng Arc7 được thiết kế để chuyển chở LNG. Đồng thời, hàng hóa vẫn mắc kẹt tại xưởng sản xuất, không có cách nào đến được thị trường toàn cầu.
Không giống như xuất khẩu dầu, vốn vẫn tiếp tục được lưu chuyển bất chấp giá trần và những hạn chế khác với sự trợ giúp từ một “hạm đội bóng tối” rộng lớn, xuất khẩu LNG bị cản trở bởi nhiều yếu tố hơn, phần lớn là do công nghệ phức tạp hơn để tải và vận chuyển loại nhiên liệu siêu lạnh này.
Tình hình càng thêm khó khăn khi Liên minh châu Âu (EU), vốn vẫn dựa vào LNG của Nga và miễn cưỡng hạn chế nhập khẩu, đang chuẩn bị triển khai một số biện pháp lần đầu tiên. Châu Âu không hoàn toàn cấm LNG từ Nga, nhưng các cuộc thảo luận trong khối 27 quốc gia báo hiệu rằng khí đốt không còn “miễn nhiễm” trước các đòn trừng phạt.
Đang tranh luận là kế hoạch cấm sử dụng các cảng của EU để tái xuất khẩu LNG của Nga sang các nước thứ ba. Điều đó quan trọng vì các nhà máy LNG của Nga ở khu vực Bắc Cực đặc biệt xa xôi nên hàng thường được chuyển đến Bỉ hoặc Pháp để tái xuất khẩu sang châu Á hoặc một cảng châu Âu khác. Việc hạn chế hoạt động này sẽ càng khiến áp lực đè nặng hơn lên đội tàu vận chuyển LNG của Nga.
Hạn chế lớn nhất
Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) bắt đầu chuyển sự chú ý sang việc làm tê liệt các kế hoạch mở rộng LNG của Nga vào năm 2023, khoảng 1 năm sau xung đột, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết. Các quan chức NSC đã hợp tác với Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc để chọn mục tiêu, cuối cùng tập trung vào dự án Artic LNG 2 của Novatek. Sau đó Bộ Tài chính Mỹ vào cuộc.
Giờ đây, là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn Nga phát triển bất kỳ dự án năng lượng mới nào có thể đóng góp doanh thu đáng kể, Mỹ muốn đảm bảo liên doanh do Novatek dẫn đầu ở Bắc Cực “chết từ trong trứng nước” như cách ông Geoffrey Pyatt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Tài nguyên Năng lượng, đã phát biểu tại một hội nghị ở Thụy Sĩ hồi đầu tháng trước.
Giao dịch LNG đòi hỏi các tàu chuyên dụng đắt tiền có thể được theo dõi bằng dữ liệu vệ tinh, khiến việc tạo ra một đội tàu thay thế như “hạm đội bóng tối” vận chuyển dầu gần như là không thể. Trong khi ngày nay có khoảng 7.500 tàu chở dầu với nhiều kích cỡ khác nhau, thì toàn bộ ngành LNG chỉ có gần 700 chiếc.
Thêm vào đó, có một thực tế là Arctic LNG 2 yêu cầu một loại tàu độc đáo có thể lướt qua lớp băng dày. Có 21 tàu chở dầu phá băng Arc7 được đặt hàng cho hoạt động này, bao gồm các tàu thuộc sở hữu của Hanwha Ocean Co. và Mitsui OSK của Hàn Quốc. Do các lệnh trừng trừng phạt, hiện số phận các tàu này đang treo lơ lửng.
“Hạn chế lớn nhất đối với việc phát triển dự án LNG 2 ở Bắc Cực là sự sẵn có của tàu chở hàng. Đó là điểm yếu trong chiến lược tổng thể của Nga”, ông Thane Gustafson, Giáo sư tại Đại học Georgetown (Mỹ), người đã theo dõi việc Nga mở rộng hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ, cho biết. “Triển vọng dài hạn bị che mờ bởi thực tế là nhiệm vụ chính là phát triển LNG cho Đông Á qua Tuyến đường biển phía Bắc tại thời điểm này là không thể thực hiện được”.
Đối thủ cạnh tranh
Phép thử tiếp theo sẽ diễn ra vào mùa hè, khi Novatek đặt mục tiêu vận chuyển lô hàng LNG đầu tiên từ Artic LNG 2, tận dụng lớp băng đủ mỏng để sử dụng tàu thông thường, theo nguồn tin của Bloomberg. “Sẽ có những chuyến đi đặc biệt, nhưng số lượng thực sự rất hạn chế”, ông Humpert của Viện Bắc Cực cho biết.
Mỹ đang nỗ lực hết sức để phá hủy dự án Artic LNG 2 của Nga trước hết vì hai nước vẫn là “đối thủ cạnh tranh trực tiếp” trong lĩnh vực này, ông Stanislav Mitrakhovich, chuyên gia hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia và Đại học Tài chính của Chính phủ Nga, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Đài Sputnik hôm 2/5.
“Cả Nga và Mỹ đều sản xuất LNG. Về mặt này, cả hai thậm chí còn là đối thủ cạnh tranh lớn hơn trên thị trường dầu mỏ. Dầu của Mỹ có thể thay thế dầu thô của Nga bằng cách nào đó, nhưng đối với LNG, Mỹ có kế hoạch sản xuất loại nhiên liệu siêu lạnh này với số lượng rất lớn, trong 10 năm tới, Mỹ sẽ triển khai các công suất mới để hóa lỏng khí đốt tự nhiên”, ông Mitrakhovich nói.
Vị chuyên gia thừa nhận rằng cho đến nay hoạt động sản xuất tại mỏ khí đốt cung cấp cho dự án Artic LNG 2 đã bị đình chỉ, đồng thời chỉ ra rằng “người Mỹ đang cố gắng trì hoãn khả năng khôi phục dự án này càng lâu càng tốt”. Nhưng Mỹ không thể “giết chết hoàn toàn ngành công nghiệp LNG của Nga”, ông Mitrakhovich khẳng định.
Theo ông, chừng nào Nga còn sở hữu những đặc điểm cơ bản của riêng mình dưới dạng cơ sở khoa học - kỹ thuật thì sẽ có cơ hội phát triển và những cơ hội này sẽ được nắm bắt”.
“Nga được Trung Quốc ủng hộ, điều này khá rõ ràng. Bởi vì nếu Nga thua trong cuộc đối đầu này, Trung Quốc sẽ phải một mình đối đầu với phương Tây. Trung Quốc không muốn điều đó. Đây là yếu tố hoàn toàn cơ bản. Và nhờ điều này, tôi hãy nghĩ rằng vấn đề sẽ được giải quyết”, ông Mitrakhovich chỉ ra.
Về tiền bạc, Nga được hưởng lợi nhiều hơn từ xuất khẩu dầu, điều mà “chúng tôi có thể chuyển hướng rất hiệu quả” dù đây là một quá trình cần có thời gian, theo vị chuyên gia.
“Tiền chủ yếu đến từ xuất khẩu dầu. Chúng tôi đã chuyển hướng dầu, nhưng không thể thay thế nhanh chóng. Xuất khẩu đang được tiến hành. Số tiền chúng tôi nhận được từ đây được sử dụng, cùng với những nguồn khác, để tái trang bị thiết bị công nghệ, thay thế nhập khẩu, và tạo ra các cơ sở sản xuất mới”, vị chuyên gia kết luận.