Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ngân hàng chạy đua tăng vốn điều lệ bằng việc chia cổ tức

Bước sang năm mới Giáp thìn 2024, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa qua đã thông qua phương án phân phối 16.441,5 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022. Sau khi trừ đi 822 tỷ đồng trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 1.644 tỷ đồng quỹ dự phòng tài chính và 2.327 tỷ đồng trích quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với số tiền gần 11.648 tỷ đồng. Nếu đợt chia cổ tức diễn ra thuận lợi, vốn điều lệ của VietinBank dự kiến sẽ tăng lên 65.347,9 tỷ đồng.

Một ông lớn khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – HoSE: VCB), Hội đồng Quản trị nhà băng này cũng vừa phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 theo nguyên tắc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 (riêng lẻ, kiểm toán) của Vietcombank là hơn 29.387 tỷ đồng.

Sau khi trích lập gần 1.470 tỷ đồng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ,  2.939 tỷ đồng quỹ dự phòng tài chính và quỹ khen thưởng, phúc lợi, Vietcombank sẽ dùng toàn bộ hơn 21.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Sau khi hoàn tất việc chia cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến sẽ tăng thêm 21.680 tỷ đồng, đạt hơn 77.571 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) cũng đã chốt danh sách cổ đông để thưởng cổ phiếu với tỉ lệ 10:4 (tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 4 cổ phiếu mới).

Tổng số lượng cổ phiếu PGB được phát hành là 120 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo báo cáo tài chính của ngân hàng năm 2022.

1-1709173123.png
 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank – UPCoM:SGB) cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông 2023 của nhà băng này cũng đã thông qua việc trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng cổ phiếu với tỉ lệ 10%. Theo đó, SaigonBank dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ mức 3,080 tỷ đồng lên 3,388 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank – HoSE: BAB) vừa qua cũng đã hoàn tất việc chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 7,5% (tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 75 cổ phiếu mới).

Theo đó, Bac A Bank phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 625 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế năm 2022 của Bac A Bank. Sau khi trả cổ tức cho cổ đông, vốn điều lệ tại Bac A Bank tăng từ gần 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng.

Bên cạnh các ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu, một số ngân hàng đã và đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt như VIB, VPBank, Techcombank...

Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam VIB vừa qua cũng đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỉ lệ 6% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 600 đồng).

Với hơn 2.536,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VIB chi khoảng 1.522 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) cũng đã hoàn thành chia cổ tức 2022 bằng tiền mặt với tỉ lệ 10% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 1.000 đồng) với số tiền chi trả là 7.933 tỷ đồng.

Nguồn chi là từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2022 theo báo cáo tài chính năm 2022 là 15.288 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Thu Hương/ Người Đưa Tin