BIDV dẫn đầu về quy mô tổng tài sản
Tại thời điểm cuối tháng 12/2023, 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV với tổng tài sản đạt gần 14,8 triệu tỷ đồng, tăng 14,8% so với hồi cuối năm 2022.
Nếu tại thời điểm 9 tháng đầu năm 2023, có tới 4 ngân hàng Vietcombank, VietABank, Kienlongbank và PGBank chứng kiến tổng tài sản sụt giảm. Thì đến cuối năm 2023, phần đa các ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng tổng tài sản dao động từ 5% - 20%.
Kết thúc năm 2023, BIDV tiếp tục duy trì vị trí quán quân về tổng tài sản với 2,13 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Vị trí thứ 2 thuộc về Vietinbank với hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4%. Vietcombank xếp ở hạng 3 với tổng tài sản 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2022.
Tại nhóm ngân hàng cổ phần, MB chễm trệ tại vị trí thứ 4 với tổng tài sản tăng 29,7% so với hồi đầu kỳ, đạt 944.950 tỷ đồng. Bám sát sau MB là Techcombank với tổng tài sản tăng 20% so với đầu năm đạt quy 849.482 tỷ đồng.
Trong năm, dù ghi nhận mức tăng tổng tài sản 29,6% lên 817.770 tỷ đồng, cao thứ 2 toàn ngành nhưng VPBank vẫn chỉ ngậm ngùi đứng ở vị trí thứ 6.
Các ngân hàng còn lại top 10 lần lượt là ACB với tổng tài sản 718.795 tỷ đồng; Sacombank với 674.390 tỷ đồng tổng tài sản, SHB đạt hơn 630.435 tỷ đồng và cuối cùng là HDBank với tổng tài sản 602.315 tỷ đồng.
Dù chốt sổ top 10, tuy nhiên, HDBank lại là nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng tài sản cao nhất toàn ngành với 44,7%.
Vốn điều lệ của VPBank dẫn đầu hệ thống
Năm 2023, các ngân hàng liên tục chaỵ đua tăng vốn điều lệ. Trong đó, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh tiếp tục có sự biến động về vốn điều lệ khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc VietinBank tăng vốn điều lệ thêm gần 5.643 tỷ đồng, theo phương án phát hành có phiếu trả cổ tức.
Nhờ vậy, tại thời điểm điểm cuối năm, vốn điều lệ của Vietinbank ở mức 53.699 tỷ đồng, cao thứ 3 toàn ngành. BIDV cũng phát hành tối đa gần 641,93 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tăng vốn điều lệ từ hơn 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004,5 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 2.
Với Vietcombank, sau khi ngân hàng này phát hành gần 857 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của Vietcombank đạt hơn 55.890 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong top 10 vốn điều lệ.
Đáng nói, dẫn đầu về vốn điều lệ toàn ngành là ngân hàng ngoài nhóm Big4. Cuối năm 2023, VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất, đạt 73.799 tỷ đồng, cách xa các ngân hàng còn lại trong hệ thống.
Năm vừa qua, VPBank đã hoàn tất việc bán 15% vốn cổ phần ngân hàng cho SMBC. Đồng thời, nhà băng này đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 73.339 tỷ đồng.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Trong năm 2023, MB đã phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữuvới tỉ lệ thực hiện 15%, nâng vốn điều lệ thêm 6.800 tỷ đồng, tăng từ 45.340 tỷ đồng lên 52.141 tỷ đồng.Trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 5 toàn hệ thống.
5 ngân hàng còn lại nằm trong top bao gồm SHB với vốn điều lệ 36.194 tỷ đồng; Techcombank 35.225 tỷ đồng, ACB với 33.774 tỷ đồng vốn điều lệ, HDBank 29.076 tỷ đồng và và cuối cùng là LPBank với vốn điều lệ 25.576 tỷ đồng.