Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nghệ nhân với khát vọng về những chiếc nón

Đến với làng Chuông, không thể quên ghé thăm gian nhà của nghệ nhân Tạ Thu Hương - người đã đưa những chiếc nón làng ra với thế giới. Đây cũng chính là nơi sản xuất và trưng bày nón lá truyền thống của làng, đậm sẫm màu văn hoá Việt Nam.

“Nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ” - người ta chỉ biết rằng, câu ca dao này đã xuất hiện từ rất lâu lắm rồi. Hỏi về thời điểm bắt đầu làm nón, người làng Chuông không ai biết rõ chính xác là từ lúc nào. Theo lời một số cụ bô lão trong làng, từ thế kỉ thứ 8 thì làng đã bắt đầu sản xuất những chiếc nón đầu tiên. Làng Chuông trước kia có tên gọi là Trang Thì Trung, chuyên sản xuất nón cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Làng nón Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Di chuyển chỉ mất hơn 30 phút từ trung tâm thành phố. Gặp gỡ nghệ nhân Tạ Thu Hương, chúng tôi gọi thân mật là: "chị Hương"

Cái tay thoăn thoắt đang giẽ những chiếc lá lụi (giẽ lá - một trong những công đoạn đầu tiên để làm nón), chị Hương cười rồi nói:" Chị làm từ khi 7, 8 tuổi rồi, gia đình chị có truyền thống với nghề này" 

dsc1218-1730375215.JPG

Nghệ nhân Tạ Thu Hương. (Ảnh: Nhật Linh).

Trải qua hơn 30 năm làm nghề, chị Hương đã chứng kiến nhiều sự thay đổi thăng trầm của nghề làm nón tại làng mình. Có những giai đoạn thị trường tiêu thụ nón lá truyền thống gặp sự chững lại. Nhưng có thời điểm lại phát triển mạnh mẽ, già trẻ gái trai và cả trẻ con trong làng đều bắt tay vào làm. 

Chia sẻ về cái duyên với nghề, chị cho biết, ngày nhỏ, chứng kiến cảnh người dân làng tôi đội nón đi bán rồi đội nón về. Mọi người nói với nhau rằng “hôm nay không có tiền đong gạo”, thấy nỗi khổ của người dân làng mình. Sau khi học hết cấp 3, chị đem những chiếc nón làng Chuông đến các công ty xuất nhập khẩu, giới thiệu, gửi mẫu mã và nói với họ, nếu có đơn hàng thì gửi tới, chị sẽ đầu tư mẫu mã. Từ yêu nghề, thương dân và cũng là tự cứu lấy chính mình. Ban đầu rất gian nan, vất vả nhưng rồi, người nghệ nhân này cũng ký được đơn hàng đầu tiên với công ty xuất nhập khẩu ở Hưng Yên.

Nhận thấy cần phải nắm thế chủ động hơn trong việc quan sát cũng như hiểu rõ về nhu cầu thị trường, quảng bá thương hiệu, chị Hương tìm đến các hội chợ làng nghề khắp các tỉnh thành, gặp gỡ các ban ngành đoàn thể và tích cực lan toả nét đẹp những chiếc nón đến người tiêu dùng. "Mình luôn trăn trở phải làm sao để vừa sản xuất nhưng cũng phải biết làm du lịch, truyền thông. Phải làm sao để dân làng của mình đều phát triển lên, kéo theo nhiều người có việc làm. Tại sao mình được đi học hỏi ở những cái làng mà người ta có khả năng đón được khách du lịch về như gốm Bát Tràng, an sinh xã hội người ta được phát triển. Bản thân cũng sinh ra trong làng nghề mà không biết giữ cái nét đẹp làng mình thì sẽ cảm thấy rất có lỗi.." - chị tâm sự.

Trước đây, khi xã chưa công nhận nhà mình là "Điểm đến du lịch", người nghệ nhân tâm huyết này đã tự xem không gian của nhà mình là điểm tham quan làng nghề cho khách, cứ thế chị quyết tâm phát triển. Và sau này, khi đã có thương hiệu, bên cạnh sự công nhận, xã còn ưu tiên cho chị Hương một không gian tại sân đình làng để quảng bá thương hiệu.

dsc1135-1730386588.JPG

Một góc không gian trưng bày nón lá của chị Hương tại sân Đình. (Ảnh: Nhật Linh).
dsc1278-1730387786.JPG
Tạo được việc làm cho người dân là một trong những trăn trở thường trực và cũng chính là động lực của người nghệ nhân Tạ Thu Hương. (Ảnh: Nhật Linh).

Vài năm gần đây, khi công cuộc chuyển đổi số được đẩy mạnh, hướng quảng bá thương hiệu cũng được người nghệ nhân này cũng thay đổi theo. Bên cạnh việc thành lập trang Facebook phục vụ việc đăng bài và livestream vào những ngày đông du khách đến thăm quan làng nghề, chị Hương còn mở kênh Tiktok để đăng tải những video giới thiệu sản phẩm, kết hợp với các trang tour du lịch để đưa khách về làng. Thậm chí, chị Hương còn biết sử dụng thành thạo công cụ ChatGPT để tìm hiểu thêm về quảng bá.

dsc1213-1730385559.JPG
Tại gian hàng nhà chị Hương, không chỉ có nón chóp lá ghép mà còn nón quai thao, nón nhô, nón long, nón dấu. (Ảnh: Nhật Linh).

dsc1257-1730383584.JPG

Thậm chí còn có những chiếc nón "mini" phục vụ trang trí. (Ảnh: Nhật Linh).

dsc1260-1730383655.JPG

Nhiều bạn trẻ rất quan tâm đến những chiếc nón có các hoạ tiết được khâu vẽ lên. (Ảnh: Nhật Linh).

Theo chị Hương, từ sau đại dịch Covid-19, trung bình cơ sở nón lá của nghệ nhân Thu Hương đã xuất khẩu trên 5.000 sản phẩm/tháng, hơn 60.000 sản phẩm/năm sang nhiều nước ở khu vực Châu Âu, Châu Á.

Chị bày tỏ, để có thể duy trì việc sản xuất và xuất khẩu nón lá làng Chuông ra thị trường quốc tế, chiếc nón lá sẽ phải đảm bảo chắc chắn các yếu tố như chất liệu lá trắng, vòng đẹp, các mũi khâu nón đều tay, không lộ lỗ kim, không để lọt nắng dưới ánh mặt trời trong quá trình sử dụng... Những chiếc nón truyền thống của làng Chuông có giá bán trung bình từ 50.000 - 100.000 đồng/chiếc, một số chiếc đặc biệt sẽ có giá từ vài trăm. Với đơn hàng lớn đặt nón "khổng lồ" để trang trí, giá vài triệu là chuyện bình thường.

dsc1179-1730384337.JPG

Chiếc nón có giá vài triệu đồng được đặt bởi một đơn vị tàu du lịch đang được hoàn thiện để gửi đi. (Ảnh: Nhật Linh).

Việc được nhà nước tài trợ đi trải nghiệm làng nghề nhiều nơi khắp thế giới như Nhật Bản, Lào, Singapore, Trung Quốc, Malaysia,...đã cho chị Hương thêm nhiều sáng tạo mới để cải thiện mẫu mã của những chiếc nón làng mình. Ngoài ra, chính người nghệ nhân này cũng học hỏi được từ giới trẻ sự sáng tạo, tư duy nhanh nhạy đối với món đồ thủ công truyền thống.

"Các bạn trẻ bây giờ giỏi hơn các chị ngày trước rất nhiều, những chiếc nón đơn giản được xưởng sản xuất của các chị làm ra, các bạn mua về và kinh doanh rất chạy. Đến nhiều gian hàng, thấy sản phẩm của mình được nhiều người trẻ trang trí, decor lại rất đẹp, vô cùng nghệ thuật, bắt mắt. Thậm chí, mỗi gian hàng được các em ấy trang trí nhìn rất thu hút, giá thành sản phẩm vì vậy được nâng lên một mức khác” - chị Hương cười và thổ lộ với chúng tôi.

Nghĩ về việc thế hệ con cháu trong làng nối tiếp truyền thống, người nghệ nhân bộc bạch: "Chị thường dặn với những người trẻ trong làng rằng dù có học và làm việc ở đâu, cũng đừng quên nơi mình sinh ra, quên cái nghề truyền thống từ xưa tới nay, nên hãy lan toả nón nhà mình đi, tích cực giới thiệu nón nhà mình đi..".

Chị Hương còn là người chủ động giúp đỡ rất nhiều người trẻ trong và ngoài làng có công ăn việc làm. Có những người sa cơ lầm lỡ, chị không ngại ngần giúp đỡ tạo cơ hội để họ cải thiện cuộc sống. 

Bày bỏ mong muốn trong tương lai, nghệ nhân Tạ Thu Hương hi vọng chính quyền xã và huyện sẽ luôn quan tâm, đặc biệt là cho một điểm du lịch tốt hơn nữa, rộng hơn nữa để có thể làm quy mô của làng nghề rộng hơn. Có thể có nhà nghỉ cho khách lưu trú, có nhà ăn, bãi đỗ xe, có dịch vụ thuê đồ để chụp ảnh với những chiếc nón và khuôn viên làng nghề. 

Từ nền tảng truyền thống chỉ có làm rồi bán đi những chiếc nón, làng Chuông hiện nay đã mở ra những hướng đi mới, thích ứng với sự phát triển của đời sống, xã hội. Biến làng thành điểm đến du lịch cho khách tham quan, từ đó có thể đa dạng nguồn thu, như vậy mới có thể cải thiện được đời sống cho người dân. Đồng thời, còn có thể giữ gìn được nét đẹp truyền thống lâu đời này không bị mai một. Quả thực, đó là một hành trình không hề dễ dàng với những dân nơi đây. Có lẽ với riêng chị Hương và cả người dân làng nón Chuông, hơn ai hết họ hiểu từng chiếc nón có ý nghĩa quan trọng như thế nào với mình. Đó là cuộc sống, là tình yêu, và đôi khi còn là sứ mệnh từ người đi trước.