Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

“Ngựa quen đường cũ”, đôi bạn tù tiếp tục rủ nhau lên đường ... "vào trại"

Từng thân thiết khi cùng thụ án tại trại giam Đắk Trung (cơ sở tại Đắk Lắk), “đôi bạn” Bảo - Lộc lại một lần nữa rủ nhau phạm pháp khi vừa ra tù.

Thông tin trên báo Công an nhân dân, ngày 12/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng Lê Văn Lộc (SN 1998, trú tại phường 1, quận 8, Tp. Hồ Chí Minh) và Huỳnh Dương Bảo (SN 1991, trú tại phường Tân Lập, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản”.

Theo hồ sơ, đối tượng Lộc từng có 4 tiền án cùng về tội Trộm cắp tài sản; Bảo có 2 tiền án về các tội Bắt giữ người trái pháp luật, Đánh bạc và Tàng trữ trái phép chất ma túy. Cả 2 đều nghiện ma túy.

bao-1731408950.jpg
Đối tượng Huỳnh Dương Bảo. Ảnh: Công an nhân dân. 

Theo báo Dân trí, Lộc và Bảo cùng thụ án tại trại giam Đắk Trung (cơ sở tại Đắk Lắk). Tại đây, hai đối tượng này quen biết và thân thiết với nhau; cả hai vẫn giữ liên lạc sau khi ra tù.

Thời đi cuối tháng 10, do nghiện ngập và thiếu tiền tiêu xài, Lộc đi từ Tp. Hồ Chí Minh lên Đắk Lắk để rủ Bảo đi trộm cắp tài sản.

Sau khi bàn bạc, các bị can thuê ô tô rồi di chuyển dò la nhiều nơi. Khi phát hiện nhà dân sơ hở, Bảo sẽ ngồi ngoài xe cảnh giới, còn Lộc dùng công cụ để phá khóa, đột nhập, lấy trộm tài sản.

loc-1-1731408933.jpg
Đôi bạn tù Bảo - Lộc vừa mãn hạn lại rủ nhau... đi cướp tài sản. Ảnh: Công an nhân dân.

Trong vòng 6 ngày, các đối tượng gây ra 6 vụ trộm cắp liên tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, trộm cắp nhiều tài sản trị giá hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng Lộc còn khai nhận, ngày 8/9, một mình Lộc đột nhập vào một nhà dân ở Tp. Hồ Chí Minh trộm 2.700 USD, một số đồ trang sức có giá trị - báo Lao Động thông tin.

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể như sau:

* Khung 1:

Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

+ Tài sản là di vật, cổ vật.

* Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Hành hung để tẩu thoát;

+ Tài sản là bảo vật quốc gia;

+ Tái phạm nguy hiểm.

* Khung 3:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

* Khung 4:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

Trần Giang (t/h)