Câu chuyện hi hữu nói trên là của người phụ nữ sống ở Thiên Tân, Trung Quốc, được đăng tải trên trang Toutiao.
Cụ thể, năm 2018, người phụ nữ tên Trương chi 4.500 NDT (khoảng 15 triệu đồng) để mua một chiếc dây chuyền trên mạng rồi tặng cho bạn trai làm quà sinh nhật. Sau khi chia tay, cô này đã đòi lại quà.
Năm 2020, một lần tình cờ lướt mạng WeChat, thấy chiếc vòng giống hệt với cái mình từng mua, quá tinh xảo và độc đáo, cô đã liên hệ với người bán để đặt mua với giá 9.500 NDT (khoảng 33 triệu đồng).
Chỉ vài tiếng sau khi nhận được hàng giao đến tay, cô Trương bị công an hỏi thăm. Lý do là bởi 2 chiếc dây chuyền đều được làm từ sừng của 2 loài vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng là chim hồng hoàng mũ cát và tê giác.
Tại Trung Quốc, sừng của hồng hoàng mũ cát và tê giác thường được dùng để chạm khắc các tác phẩm có giá trị cao. Do bị săn bắt trong thời gian dài nên 2 loài vật này được liệt kê vào danh sách động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Cũng bởi hiếm có nên các sản phẩm làm từ sừng của hồng hoàng mũ cát và tê giác được bán với giá trị rất cao. Theo đó, sừng của chim hồng hoàng mũ cát hiện đã lên đến khoảng 6.150 USD/ kg - tức đắt gấp 3 lần ngà voi.
Theo VnExpress, chim tê điểu, hay còn gọi là hồng hoàng mũ cát, nặng khoảng ba kilogram. Chúng có cục u tạo thành từ chất sừng (một loại protein sợi) kéo dài dọc phần trên mỏ đến hộp sọ. Chiếc sừng cứng như sắt này có thể chiếm 11 % trọng lượng con chim.
Tê điểu sống ở Malaysia và Indonesia, tập trung trên các hòn đảo Sumatra và Borneo. Chúng thường ăn trái cây và các loại hạt nên được mệnh danh là "những nông dân của rừng rậm" bởi vai trò phát tán hạt giống trong khi ăn.
Chiếc sừng của tê điểu đôi khi còn được nhắc tới như "ngà". Đây là một vật liệu đẹp để chạm khắc với bề mặt trơn nhẵn và sắc vàng do các chất tiết ra từ tuyến dầu. Phần lớn các loài chim sử dụng đầu để xoa chất dầu bảo vệ từ tuyến này lên bộ lông, chân và bàn chân.
Trong hàng trăm năm, những nghệ nhân Trung Quốc rất ưa chuộng sừng tê điểu và dùng nó để chế tác đồ cho giới quý tộc giàu có. Những thợ chạm khắc Nhật Bản cũng sử dụng sừng tê điểu để tạo các đồ vật tinh xảo đeo trên thắt lưng kimono của đàn ông.
Sừng tê điểu có giá 6.150 USD/kg, gấp hơn 3 lần ngà voi.
Mặc dù cô Trương không hề biết về nguồn gốc 2 chiếc dây chuyền, khi mua cũng không biết chúng liên quan đến đường dây tội phạm. Thế nhưng, hành vi của cô Trương đã vi phạm quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc. Mặc dù cô Trương không có ý định phạm tội cố ý thu mua, vận chuyển hoặc bán trái phép động vật hoang dã, tuy nhiên cô cũng không hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ và không xem xét tính hợp pháp cũng như nguồn gốc của những sản phẩm đã mua. Bên cạnh đó, cô Trương cũng không tham khảo ý kiến của các bộ phận hoặc chuyên gia liên quan và không tuân thủ các quy định, thủ tục pháp lý liên quan. Vì vậy, cô Trương phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, tòa đã kết án cô Trương 10 năm tù và nộp phạt số tiền 460.000 NDT (khoảng 1,6 tỷ đồng), trong đó bao gồm 100.000 NDT vì hành vi gây nguy hiểm cho động vật hoang dã quý hiếm và 360.000 NDT vì hành vi gây tổn thất tài nguyên sinh thái.
Thông tin trên báo Nhân dân điện tử, số lượng tê giác hoang dã trên toàn cầu đã suy giảm nhanh chóng, từ nửa triệu cá thể vào đầu thế kỷ 20 xuống còn chưa tới 28.000 con hiện nay. Nhiều phân loài thậm chí đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo báo cáo đặc biệt mang tên Tình hình tê giác do Quỹ Tê giác quốc tế (IRF) công bố, thế giới hiện chỉ còn 5 loài tê giác; 3 trong số 5 loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp. Tổng cả 5 loài cộng lại cũng chưa tới 28.000 con.
Ngày 22/9 hằng năm được chọn là Ngày tê giác thế giới do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Nam Phi khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2010.