Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhà báo Hoàng Văn Chiên: Tính nhân văn của báo chí khi thực hiện thể loại điều tra

Nhà báo Hoàng Văn Chiên công tác tại Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt luôn được biết đến là người khá “gai góc” trong công việc. Nhờ sự nhiệt huyết, quyết tâm không ngừng đó mà nhà báo đã gặt được nhiều quả ngọt. Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), PV Góc nhìn Pháp lý đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hoàng Văn Chiên.

PV: Xin chào nhà báo Hoàng Văn Chiên, tôi được biết cho đến thời điểm này anh đã nhận được rất nhiều giải báo chí. Tuy nhiên, để có được “thành tích” đó anh đã phải đánh đổi rất nhiều?

Nhà báo Hoàng Chiên: Từ khi về báo Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt công tác, tôi và nhóm phóng viên điều tra của báo có rất nhiều kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp. Kể ra thì nhiều lắm, nhưng kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất mà theo tôi những điều đó thể hiện được sự dẫn thân, quyết tâm đi đến cùng của sự việc. Đặc biệt thể hiện được sự lan tỏa, tính nhân văn của báo chí khi chúng tôi thực hiện các loạt bài điều tra.

chien-1-1719024577.jpeg

Nhà báo Hoàng Văn Chiên trong một lần tác nghiệp

 

Còn nhớ, đầu tháng 6/2021, trong chuyến công tác tại xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Tôi cùng nhóm phóng viên được Ban Biên tập cử đến tìm hiểu thông tin về một vụ việc liên quan đến phá rừng tương đối lớn. Dù đã hẹn trước với trưởng thôn, thế nhưng khi đến nơi họ từ chối không gặp bởi lý do đi nương xa chưa về kịp. Lúc đó chúng tôi cảm thấy hụt hẫng bởi đã lái xe gần như cả ngày, vượt gần 400km đến nơi mà bị “bỏ bom”.

Trước tình thế đó, nhóm chúng tôi đi đến bàn bạc quyết định vào bản để tìm mua gà, vịt, đến nhà dân để làm quen rồi cùng bà con thịt vịt uống rượu. Người miền núi mến khách họ gọi cả chục người đến tiếp chúng tôi. Để có thể tiếp rượu được bà con, chúng tôi phải thay nhau giả vờ say ngủ rồi dậy uống tiếp cho đến 2 giờ sáng họ mới chỉ nơi phá rừng và hứa sáng hôm sau. Do tiếp rượu bà con đến 2 giờ sáng, 4 giờ sáng đã leo núi đá khiến tôi bị tụt huyết áp, mặt tái xanh, toát mồ hôi, nổi da gà phải nằm nghỉ giữa rừng. Đêm đó, chứng kiến những đứa trẻ lên 3, lên 5 đi nhặt từng con ốc đá về bán lấy tiền mua gạo, mua thức ăn đã khiến chúng tôi quyết tâm tìm ra bản chất của vấn đề trong câu chuyện của vụ phá rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam với hàng trăm cây, hơn 700m3 gỗ. Với quyết tâm đó, sau khi loạt bài được đăng tải trên báo, nhóm tác giả chúng tôi đã được trao giải A Giải báo chí toàn quốc phòng, phòng chống tham nhũng lần thứ III năm 2021 – 2022.

PV: Theo mảng PV điều tra thì tôi nghĩ sẽ có nhiều “điểm vướng” trong quá trình tác nghiệp. Nhà báo có kỉ niệm nào trong quá trình thực hiện công việc của mình?

Nhà báo Hoàng Chiên: Đầu năm 2023, nhóm phóng viên chúng tôi thực hiện loạt bài điều tra về “xẻ thịt cao nguyên đá”. Do tính chất của vụ việc nên chúng tôi phải điều tra rất kỹ. Nên khi gặp mỗi nhân vật ở các cương vị khác nhau chúng tôi vào vai cho phù hợp, từ người dân khai thác, chủ doanh nghiệp, người buôn bán, người sử dụng đá trái phép...

Điều khiến tôi nhớ nhất là khi nhập vai là doanh nghiệp muốn xin phép khai thác đá trong vũng lõi Công viên địa chất toàn cầu. Và để thực hiện được việc đó, người môi giới yêu cầu chúng tôi phải chuẩn bị “những cánh thư nhỏ” trị giá 10 triệu đồng để đến gặp “ông anh lớn” nhằm gửi lời yêu thương.

chien-2-1719024577.JPG

Nhà báo Hoàng Văn Chiên trao đổi, chia sẻ nghiệp vụ

 

Để tránh vi phạm pháp luật tôi đã nhanh trí đi mua quà là hai quả bưởi, khi mua tôi có quay lại toàn bộ quá trình mua, hỏi giá cả, đồng thời mua phong bì kèm theo. Khi bước lên xe của người môi giới đưa chúng tôi đến nhà ông anh lớn là lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn – Hà Giang). Tôi xách theo hai quả bưởi, túi áo trước ngực để lộ phong bì trống cho người môi giới nhìn thấy. Khi gặp “ông anh lớn” chúng tôi đã nghe và ghi lại toàn bộ câu chuyện của người môi giới với “ông anh lớn” kia. Khi mọi thứ đã được ghi hình đầy đủ thông tin, chúng tôi rời đi. Khi đến địa phận huyện Yên Minh, “ông anh lớn” kiểm tra túi quà mà không thấy phong bì 10 triệu nên đã  gọi cho người môi giới hỏi chúng tôi hỏi lúc nãy có đưa quà không. Nhờ chuẩn bị tâm lý từ trước nên tôi đã ứng khẩu rất nhanh. Cũng may người môi giới không hỏi lúc nãy có đưa tiền không, nếu hỏi chúng tôi sẽ khó trả lời trung thực được.

PV: Vậy điều cần thiết cho một tác phẩm báo chí điều tra là gì?

Nhà báo Hoàng Chiên: Với nhiều năm kinh nghiệm trong mảng báo chí này tôi nghĩ cần đặt ra những yêu cầu khắt khe cho mình. Tôi lấy ví dụ, để thực hiện được một loạt bài điều tra, khi tiếp nhận nguồn tin thì điều bắt buộc là phải xác minh, gặp trực tiếp nguồn tin, hỏi bạn bè, đồng nghiệp, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng….

Bước tiếp theo là phải “nạp” nhiều kiến thức về chủ đề mình điều tra. Có như thế mình mới vào vai được.

Trước khi đến nơi hoặc gặp nhân vật điều tra cần chuẩn bị kỹ phương tiện tác nghiệp, máy móc, thiết bị ghi hình, ghi âm, máy quay phim, chụp ảnh, xem đường đi lối lại, kiểm tra địa hình bằng cách hỏi người dân, xem qua bản đồ vệ tinh, dùng thiết bị flycam quan sát trước. Tìm hiểu về văn hóa bản địa…

Trong quá trình khai thác thông tin phải làm sao ghi được những hình ảnh sắc nét nhất, ghi được những thông tin hữu ích nhất cho nội dung mình đang thực hiện, sau mỗi lần gặp cần tạo niềm tin làm sao để vẫn có thể gặp họ khi cần thiết, đồng thời tìm cách ẩn mình sau mỗi cuộc điều tra, đưa thêm nhiều phóng viên khác vào cuộc nhằm tránh gây sự chú ý đến mình.

Khi đã có những hình ảnh, bằng chứng đầy đủ mỗi phóng viên cần có nghệ thuật làm việc với cơ quan chức năng, làm sao để họ cùng vào cuộc, cùng đi đến tận cùng của vấn đề.

Các bài viết khi đăng tải cần thiết kế đẹp, ảnh, video kèm nội dung bài viết, phỏng vấn cơ quan chức năng, những người có uy tín, chức sắc trong xã hội, chuyên gia, nhà khoa học… Đặc biệt là theo dõi, thực hiện các phản hồi sau khi các bài báo được đăng tải.

PV: Xin cảm ơn nhà báo!

Trong hơn 4 năm công tác tại Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt, Nhà báo Hoàng Văn Chiên cùng đồng nghiệp: 4 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022, 2023 đoạt Giải B Giải Báo chí Quốc gia; Giải A Giải Báo chí Toàn quốc về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực 2020 – 2021; Giải B Giải Báo chí Toàn quốc về phòng chống tham nhũng lãng phí năm 2022 – 2023; Và nhiều Giải thưởng, Bằng khen,Giấy khen của các Bộ, ngành Trung ương.

 

 

Nguyễn Bắc