Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhiều ngân hàng cắt giảm chi phí dự phòng trong khi nợ xấu tăng

Kết thúc quý II/2024, đa số ngân hàng đều có xu hướng gia tăng nợ xấu, Bac A Bank ghi nhận mức tăng mạnh nhất khi tăng đến 65% so với cuối năm 2023.

Giảm trích lập dự phòng để cứu lấy lợi nhuận

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024, số dư nợ xấu của 27/29 ngân hàng đã tăng so với thời điểm cuối năm 2023.

Hai ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm  là SHB và PGBank. Trong đó, tổng nợ xấu của SHB là 12.877 tỷ đồng, giảm 2,7% so với năm trước. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng giảm từ mức 3,02% cuối năm ngoái về còn 2,79%. 

Nợ xấu của PG Bank cũng giảm 5% so với hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 2,85% xuống còn 2,61%.

Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, kết thúc tháng 6/2024, tổng nợ xấu của BIDV là 28.687 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,9% so với hồi cuối năm 2023. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,26% hồi cuối năm 2023 lên mức 1,52%.

Với VietinBank, tổng nợ xấu của ngân hàng kết thúc quý II/2024 là 24.646 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gần 2,9 lần so với năm trước lên 13.456 tỷ đồng. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,13% lên mức 1,57%.

Tổng xấu tại Vietcombank trong 6 tháng đầu năm 2024 là 16.446 tỷ đồng, tăng 232% so với thời điểm cuối năm 2023. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,98% hồi cuối năm 2023 lên 1,2%.

2-1723089325.png
 

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) ghi nhận đà tăng mạnh nhất, tăng 75% từ 1.737 tỷ đồng lên 3.048 tỷ đồng. Agribank là ngân hàng duy nhất trong Big4 có tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,85% xuống 1.84%.

Về phía nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng chung tình cảnh nợ xấu gia tăng. Cụ thể, ngân hàng ghi nhận mức tăng nợ xấu cao nhất là Bac A Bank khi tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu của ngân hàng này là 1.514 tỷ đồng, tăng đến 65% so với mức nợ xấu 916 tỷ đồng năm 2023. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay theo tăng từ 0,92% lên 1,48%.

Trong khi nợ xấu liên tục tăng, nhiều ngân hàng lại có xu hướng giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng để duy trì lợi nhuận.

Cụ thể, tại Vietcombank, nhờ tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 40% so với quý II/2023 xuống 1.514 tỷ đồng nên Vietcombank vẫn báo lãi trước thuế 10.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 8.125 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Sacombank đã tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 65% xuống còn 465 tỷ đồng. Nhờ vậy, ngân hàng báo lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước lên gần 2.177 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng cắt giảm chi phí dự phòng trong khi nợ xấu tăng- Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng báo lãi tăng nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Dù vậy, tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với hồi cuối năm 2023. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Sacombank tăng từ 2,28% năm trước lên 2,43%.

Tương tự, ABBank cũng ghi nhận khoản lãi sau thuế tăng gần gấp 6 lần cùng kỳ lên 311,5 tỷ đồng nhờ tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 34% xuống còn 463 tỷ đồng và chi phí hoạt động giảm 6% còn 520 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng nợ xấu của ngân hàng này tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 3.228 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2023. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay từ 2,91% cuối năm 2023 lên 3,55%.

Nhờ tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng 2,45 lần so với cùng kỳ xuống gần 22 tỷ đồng, Saigonbank báo lãi sau thuế tăng 45,8% lên gần 70 tỷ đồng.

Nhưng tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu của Saigonbank là hơn 519 tỷ đồng, tăng 28% so với mức 404 tỷ đồng hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,03% năm trước lên 2,55%.

Khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu

Nói về nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn gặp khó, nhìn chung, năng lực trả nợ của các doanh nghiệp đang giảm sút, làm giảm chất lượng tín dụng.

"Những khoản nợ chưa kịp hoàn trả có xu hướng nhảy nhóm, khiến nợ xấu tăng. Đây là xu hướng chung trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và cũng là chuyện bình thường của nền kinh tế", ông Hùng nhận định.

Nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong những năm gần đây cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Trong khi đây lại là lĩnh vực phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng nên có ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ nợ xấu.

Nhiều ngân hàng cắt giảm chi phí dự phòng trong khi nợ xấu tăng- Ảnh 2.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nguyễn Bá Hùng.

Mức tăng nợ xấu thể hiện khó khăn của kinh tế trong nước nói chung, đồng thời là khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến năng lực trả nợ.

"Chất lượng tín dụng thay đổi thuận theo sự giảm tăng trưởng kinh tế là quy luật. Điều đáng nói là các doanh nghiệp liệu có thể chống đỡ được đến khi nền kinh tế hồi phục hay không. Khi đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khởi sắc, có đủ năng lực trả nợ và khoản nợ xấu giảm xuống", Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nêu quan điểm.

TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, để giải quyết vấn đề nợ xấu, về lâu dài, các ngân hàng cần Quản trị rủi ro tín dụng chủ động.

Cần quản lý và giám sát chặt chẽ, có phát hiện sớm rủi ro tín dụng tiềm ẩn, đánh giá sau khi cho vay, khoanh vùng xử lý.

Đồng thời cần đa dạng hóa danh mục cho vay, không tập trung vào một vài lĩnh vực. Tăng cường khả năng thu hồi nợ thông qua việc phát triển, gia tăng năng lực về nghiệp vụ, xây dựng lại quy trình thu hồi nợ một cách khoa học, rõ ràng.

Nhiều ngân hàng cắt giảm chi phí dự phòng trong khi nợ xấu tăng- Ảnh 3.

TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh.

Cần tăng cường kiểm soát, kiểm toán nội bộ ngân hàng, đảm bảo quy trình giám sát chặt chẽ hơn cho toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp, cần có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả đúng kỳ hạn và vô điều kiện. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp duy trì, nâng cao uy tín trong hoạt động kinh doanh cũng như có kênh huy động vốn kịp thời.

Tuy nhiên, theo ông Linh, hiện tại đang có khoảng trống lớn về pháp lý đối với việc xử lý nợ xấu ngân hàng. Đó là Nghị quyết 42 về xử lý tài sản đảm bảo hết hiệu lực. Cần lấp đầy khoảng trống pháp lý trên để ngân hàng có công cụ đủ mạnh xử lý dứt điểm nợ xấu tồn đọng, phát sinh trong tương lai.

Dự báo về nợ xấu trong 6 tháng cuối năm, vị chuyên gia này cho rằng, tỉ lệ nợ xấu sẽ không quá đột biến do đang được hưởng lợi từ Thông tư 02 về về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin, nợ xấu hiện nay đang có xu hướng tăng và con số khá cao. Cụ thể, nợ xấu nội bảng đang ở mức gần 5%.

Nếu tính tổng cả nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn, nợ có khả năng trở thành nợ xấu, nợ bán cho VAMC… trong vòng 1 năm trở lại đây rơi vào khoảng 6,9%.

Thời gian tới, để kiểm soát tốt hơn nợ xấu, Phó Thống đốc cho rằng bản thân NHTM cần chủ động hơn trong việc thu nợ. Đồng thời, phía người vay cũng cần có trách nhiệm tìm cách trả nợ, bởi đó là tiền của người dân.