Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những chuyển động tại VIB dưới thời ông Đặng Khắc Vỹ

VIB dưới thời ông Đặng Khắc Vỹ liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, từ vùng trũng lợi nhuận 50 tỷ đồng năm 2013 đến vượt 1.000 tỷ đồng vào năm 2017.

10 năm trên "ghế nóng" ngân hàng

Ông Đặng Khắc Vỹ sinh năm 1968, nguyên quán tại tỉnh Nghệ An. Trình độ chuyên môn kỹ sư mỏ địa chất, Trường Đại học thăm dò địa chất quốc gia Moscow S. Ordzhonikidze của Nga. Ngoài ra, ông còn là Tiến sĩ kinh tế, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Quốc tế của Viện khoa học Nga.

Ông Vỹ hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB). Ông được Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) bầu làm Chủ tịch HĐQT vào ngày 16/10/2013 thay cho ông Hàn Ngọc Vũ và hiện giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị khóa IX (2023 - 2027).

Theo giới thiệu trên website ngân hàng, ông Vỹ là một trong những thành viên sáng VIB. Trước khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, ông là Ủy viên Hội đồng Quản trị từ khóa I đến khóa VIII.

Theo đó, 6 cổ đông sáng lập VIB bao gồm ông Đặng Khắc Vỹ, ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Chí Dũng, ông Hà Văn Hải, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Những chuyển động tại VIB dưới thời ông Đặng Khắc Vỹ- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ.

Theo báo cáo quản trị VIB, tại thời điểm ngày 31/12/2023, ông Vỹ đang sở hữu gần 125,6 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỉ lệ 4,949% vốn ngân hàng.

Ngoài ra, bà Trần Thị Thảo Hiền, vợ ông Vỹ đang nắm giữ trên 125 triệu cổ phiếu, chiếm 4,928%. Tổ chức có liên quan ông Đặng Khác Vỹ là CTCP Funderra cũng nắm giữ 118,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu 4,680%.

Bên cạnh cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB, ông Vỹ còn được giới thiệu là thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Mareven Food Holding Limited, Cộng hoà Síp – doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng đầu tại các thị trường Đông Âu, Tây Âu.

Đến nay, Mareven Food Holding Limited có 3 trụ sở chính gồm Mareven Food Tian Shan (Almaty, Kazakhstan); Mareven Food Central (Moscow, Nga) và Mareven Food Europe (Kiev, Ukraine).

Chuyển mình từ bán buôn sang bán lẻ

Về VIB, ngân hàng được thành lập vào 18/09/1996, đi vào hoạt động với số vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng và 23 cán bộ nhân viên.

Trải qua 28 năm hình thành và phát triển, đến thời điểm hiện tại, quy mô vốn của VIB đã mở rộng gấp nhiều lần lên mức 25.368 tỷ đồng, thuộc tầm trung về vốn điều lệ trong tổng số 28 ngân hàng thương mại, đứng chung với một số ngân hàng như SeABank (24.957 tỷ đồng), LPBank (25.576 tỷ đồng)...

Năm 2024, VIB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 29.791 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên.

Những chuyển động tại VIB dưới thời ông Đặng Khắc Vỹ- Ảnh 2.

Về tình hình kinh doanh trước năm 2010, tổng tài sản, huy động và cho vay của VIB luôn tăng từ 50% cho đến trên 70%. Nhưng đến năm 2011, kinh doanh của VIB chững lại khi tổng tài sản ngân hàng chỉ tăng 3,3% so với năm trước lên 96.950 tỷ đồng, dư nợ cho vay chỉ tăng 4,2%, lợi nhuận thu về cùng năm giảm chỉ còn 19%.

Năm 2012, tổng tài sản ngân hàng giảm tới 33% từ mức 95.950 tỷ đồng xuống còn 65.023 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng cũng giảm từ 44.149 tỷ đồng xuống 39.061 tỷ đồng. Năm 2013, VIB thậm chí ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong quá trình kinh doanh với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 81 tỷ đồng, lãi sau thuế 50 tỷ đồng.

Sau 1 thập kỷ đổi ngôi, VIB dưới thời ông Đặng Khắc Vỹ liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Từ vùng trũng 50 tỷ đồng năm 2013, mức lợi nhuận sau thuế của ngân hàng lớn dần qua từng năm và vượt 1.000 tỷ đồng vào năm 2017.

Tại thời điểm 31/12/2023, VIB báo lãi sau thuế 8.563 tỷ đồng. Đồng thời, nguồn thu lập chính là thu nhập lãi thuần của VIB cũng không ngừng gia tăng. Từ mức 1.936 tỷ đồng năm 2013 lên 17.361 tỷ đồng năm 2023. Đây là mức thu nhập lãi thuần kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng.

Kết thúc quý I/2024, VIB ghi nhận doanh thu hoạt động chính là thu nhập lãi thuần giảm 6% so với cùng kỳ xuống gần 4.036 tỷ đồng. Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 2.502 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt hơn 2.000 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Những chuyển động tại VIB dưới thời ông Đặng Khắc Vỹ- Ảnh 3.

Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của VIB tăng nhẹ lên 413.888 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt gần 267.709 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với cuối năm trước. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 1% xuống 234.211 tỷ đồng.

Về chất lượng dư nợ cho vay, nợ xấu của VIB tính đến ngày 31/3/2024 là 9.633 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, kéo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 3,14% hồi đầu năm lên 3,6%.

Đáng chú ý, định vị chiến lược là một ngân hàng bán lẻ, nên tỉ trọng cho vay hộ kinh doanh, cá nhân của VIB chiếm đến 84% tổng dư nợ cho vay khách hàng là 224.989 tỷ đồng. Về dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh, tỉ trọng cho vay hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình tại VIB cũng lớn nhất với 221.636 tỷ đồng.

Năm 2009, Khối ngân hàng bán lẻ của VIB ra đời, được hợp nhất từ Khối Khách hàng cá nhân, Khối Thẻ và Khối phòng phát triển mạng lưới. Đến năm 2010, VIB đã dần dịch chuyển tỉ trọng dư nợ từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp sang phân khúc khách hàng cá nhân.

Những chuyển động tại VIB dưới thời ông Đặng Khắc Vỹ- Ảnh 4.

Trước năm 2010, VIB thiên về phân khúc khách hàng doanh nghiệp khi tỉ trọng cho vay doanh nghiệp luôn chiếm quá nửa. Những năm 2005-2006, ngân hàng thậm chí tập trung phần lớn vào cho vay doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng kể từ năm 2011, tỉ trọng cho vay cá nhân của VIB nâng dần lên và đến năm 2013, tỉ trọng này vượt mức 50% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Liên tiếp những năm sau đó, tỉ trọng dư nợ bán lẻ của VIB không ngừng mở rộng và vượt 85% tổng danh mục cho vay, đồng thời trên 90% dư nợ bán lẻ là cho vay có tài sản đảm bảo vào năm 2023.

Sắp khép lại mối lương duyên với "rể ngoại"?

Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 6 vừa qua của VIB đã thông qua việc giảm tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%, hiệu lực từ ngày 1/7.

Tại biên bản đại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về việc VIB giới hạn "room" ngoại ở mức 4,99% vốn điều lệ có thể ảnh hưởng tới việc thoái vốn của nhà đầu tư chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) và CBA có thảo luận với VIB về lộ trình thoái vốn hay không? Liệu VIB có tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược thay thế CBA hay không? Tuy nhiên, trong văn bản không nhắc tới phần trả lời của Đoàn chủ tịch VIB.

Từ cuối năm 2017, CBA đã có động thái rút khỏi HĐQT của VIB khi 2 thành viên HĐQT là ông Coenraad Johannes Jonker và ông Michael John Venter gửi đơn xin từ chức với lý do nhận trọng trách mới tại CBA.

Việc thoái vốn của CBA đã được nhắc đến từ trước đó tại ĐHĐCĐ 2019. Khi cổ đông hỏi về kế hoạch thoái vốn khỏi VIB của CBA, ông Michael John Murphy, đại diện CBA cho biết, CBA đã đồng hành cùng với VIB hơn 10 năm và chứng kiến quá trình phát triển của ngân hàng. CBA đang có chiến lược trở thành ngân hàng gọn nhẹ hơn và trong quá trình đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu.

Những chuyển động tại VIB dưới thời ông Đặng Khắc Vỹ- Ảnh 5.

Câu hỏi của cổ đông theo biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2019 của VIB.

Từ 1/9/2010, CBA chính thức trở thành cổ đông chiến lược của VIB với tỉ lệ sở hữu cổ phần ban đầu là 15%, giúp vốn điều lệ VIB tăng từ 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng,

1 năm sau, tháng 10/2011, CBA đã hoàn thành việc đầu tư thêm 1.150 tỷ đồng vào VIB. Việc đầu tư này nhằm tăng cường cơ sở vốn, hệ số an toàn vốn, mở rộng cơ hội kinh doanh và quy mô hoạt động cho VIB. Theo đó tỉ lệ sở hữu cổ phần của CBA tại VIB đã tăng từ 15% lên 20% vốn điều lệ của VIB.

Kể từ sau khi đón cổ đông chiến lược, VIB đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ CBA. Với khoản vốn góp thặng dư của CBA, VIB tiếp tục đầu tư vào phát triển công nghệ, hệ thống mạng lưới, sản phẩm ngân hàng bán lẻ và chất lượng dịch vụ nhằm nâng cao thị phần bán lẻ của VIB.

CBA đã giúp VIB phát triển hoạt động kinh doanh đặc biệt là phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Đồng thời, người của CBA cũng lần lượt xuất hiện tại HĐQT VIB là ông Garry Lynton Mackrell và ông Ronald Wayne Hoy. Ông Richard Harris đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ tại VIB tại thời điểm đó.

Năm 2017, mối quan hệ giữ VIB và cổ đông chiến lược tiếp tục thăng tiến khi VIB tiến hành mua lại CBA chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh. Theo đó, VIB thông báo, CBA Chi nhánh Tp.HCM sẽ được đổi tên thành VIB Tôn Đức Thắng.

Theo nhận định từ Chứng khoán SSI, Mặc dù CBA có thể giữ lại số cổ phần hiện tại là 19,8% tương đương 503 triệu cổ phiếu nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu và chỉ được phép bán ra Cổ phần cho đến khi tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99% – trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Như vậy, CBA chỉ có thể bán lại cho các nhà đầu tư trong nước, điều này có thể ảnh hưởng đến giá thoái vốn. Theo CBA, kế hoạch thoái vốn của họ không thay đổi kể từ năm 2018 do thay đổi về mặt chính sách. SSI cho rằng sẽ không có thỏa thuận khối lượng và giá bán tại thời điểm này.

Nguyễn Thị Thu Hương/ Người Đưa Tin