Lễ an táng thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, người bị ám sát tại Iran vào đầu tuần này, đã diễn ra tại Qatar khi các lễ tưởng niệm được tổ chức tại các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Yemen, Pakistan, Malaysia và Indonesia.
Hàng ngàn người đưa tang hôm 2/8 đã tập trung tại Nhà thờ Hồi giáo Imam Muhammad ibn Abdul al-Wahhab ở Doha để tham gia các buổi cầu nguyện nghi lễ trước khi thủ lĩnh chính trị của Hamas được an táng tại Lusail, phía Bắc thủ đô Qatar.
Đại diện của các phe phái Palestine khác và công chúng đã tham dự các sự kiện tại thành phố, nơi ông Haniyeh từng sống cùng với các thành viên của Văn phòng chính trị Hamas. Gia đình ông đã có mặt tại đám tang trong bối cảnh các biện pháp an ninh được thắt chặt tại nhà thờ Hồi giáo quốc gia Qatar.
Israel chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ ám sát, nhưng sau cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái vào miền Nam Israel do Hamas thực hiện, các quan chức Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt ông Haniyeh và các nhà lãnh đạo Hamas khác như một phần của một mục tiêu rộng lớn hơn mà họ đã đề ra là tiêu diệt nhóm này.
Vụ ám sát ông Haniyeh ở Tehran, mà Hamas, Iran và những bên khác đổ lỗi cho Israel, xảy ra vài giờ sau khi lực lượng Israel tấn công một vùng ngoại ô phía Nam của Beirut, khiến chỉ huy quân sự của nhóm Hezbollah có trụ sở tại Lebanon thiệt mạng.
Israel đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, nhưng không thừa nhận cũng không phủ nhận vụ ám sát ông Haniyeh.
Theo thời gian, nhiều chi tiết hơn về vụ ám sát làm rung chuyển Trung Đông tiếp tục được hé lộ, nhiều vấn đề được đặt ra, và nhiều diễn biến "nóng" nảy sinh.
Iran: Lỗ hổng an ninh
Tờ The Telegraph hôm 2/8 dẫn nguồn tin từ Iran cho biết, cơ quan tình báo Israel Mossad đã thuê các mật vụ an ninh Iran để gài chất nổ trong nhà khách của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở Tehran, nơi ông Haniyeh lưu trú khi tới để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.
Đáng chú ý, theo nguồn tin của báo Anh, kế hoạch ban đầu là ám sát ông Haniyeh khi ông đến Tehran vào tháng 5 để dự tang lễ của Tổng thống Ebrahim Raisi, nhưng cuối cùng hoạt động này đã bị hủy bỏ do có quá nhiều người trong tòa nhà và khả năng thất bại có vẻ cao.
The Telegraph cũng cho biết, các mật vụ vẫn tiếp tục gài chất nổ trong 3 căn phòng tại khu nhà khách này và sau đó rời khỏi Iran. Họ được cho là đã kích nổ bom từ nước ngoài và khiến ông Haniyeh thiệt mạng ngay trong đêm 30/7, và tin tức về vụ ám sát bắt đầu được lan truyền vào rạng sáng 31/7.
"Mọi người vẫn còn thắc mắc về cách thức xảy ra vụ việc, tôi không thể hiểu nổi. Phải có điều gì đó ở cấp cao hơn trong hệ thống phân cấp mà không ai biết", một quan chức Iran nói với The Telegraph.
"Lãnh tụ tối cao đã triệu tập tất cả các chỉ huy nhiều lần trong 2 ngày qua, ông ấy muốn có câu trả lời, vị quan chức này nói thêm. "Đối với ông ấy, giải quyết lỗ hổng an ninh hiện quan trọng hơn là tìm cách trả đũa".
IRGC hiện đang đánh giá các lựa chọn trả đũa, trong đó lựa chọn chủ yếu được cân nhắc là một cuộc tấn công trực tiếp vào Tel Aviv, trong đó có sự tham gia của Hezbollah ở Lebanon và các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran, tờ báo Anh cho biết.
Đưa tin từ Tehran, phóng viên Dorsa Jabbari của Al Jazeera hôm 2/8 cho biết, một ủy ban đặc biệt bao gồm lực lượng tình báo Iran, IRGC và lực lượng cảnh sát, đã được thành lập để điều tra vụ ám sát, được coi là "một trong những thất bại lớn nhất về tình báo và an ninh trong lịch sử gần đây của đất nước".
Vụ ám sát ông Haniyeh tại thủ đô Tehran cũng làm gia tăng mối lo ngại về phạm vi và ảnh hưởng của Israel tại Iran.
Hamas: Vấn đề người kế nhiệm
Sau vụ ám sát ông Haniyeh, phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine được cho là đang chuẩn bị bầu một nhà lãnh đạo chính trị mới, với những ứng cử viên tiềm năng là quan chức cấp cao của nhóm.
Ông Haniyeh, có trụ sở tại Qatar, được bầu làm thủ lĩnh chính trị của Hamas vào năm 2017. Vấn đề chọn người kế nhiệm ông diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến khốc liệt diễn ra ở Dải Gaza đã vượt mốc 300 ngày và có thể ảnh hưởng nhiều đến tương lai của Hamas.
Một nguồn tin từ nhóm này cho AFP biết rằng "mối quan hệ với các nước Ả Rập và Hồi giáo" cũng sẽ được tính đến khi họ chọn ra nhà lãnh đạo tiếp theo cho mình.
Các ứng cử viên tiềm năng có thể bao gồm ông Yahya Sinwar – lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza từ năm 2017. Ông Sinwar, 61 tuổi, là một người theo đường lối cứng rắn và bị cáo buộc là chủ mưu của vụ tấn công vào Israel ngày 7/10 năm ngoái.
Ông Khalil al-Hayya – phó giám đốc văn phòng chính trị Hamas tại Dải Gaza, và được cho là rất thân cận với ông Sinwar. Ông al-Hayya là người đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của đấu tranh vũ trang. Ông đã mất một số thành viên gia đình trong các hoạt động quân sự của Israel, bao gồm một hoạt động nhắm vào nhà ông ở phía bắc Dải Gaza năm 2007.
Ông Musa Abu Marzuk – thành viên cấp cao của văn phòng chính trị Hamas, được coi là có quan điểm tương đồng với ông Haniyeh về cách tiếp cận thực dụng đối với các cuộc đàm phán. Trước đây, ông Marzuk đã được nhắc đến như một người kế nhiệm tiềm năng cho các nhà lãnh đạo Hamas, nhưng cho đến nay vẫn chưa lần nào được chọn.
Ông Zaher Jabarin – người đứng đầu bộ phận tài chính của Hamas, rất thân thiết với ông Haniyeh, và đôi khi được mô tả là một trong những cánh tay phải của vị thủ lĩnh chính trị quá cố.
Ông Khaled Meshaal – cựu lãnh đạo chính trị Hamas và là người tiền nhiệm của ông Haniyeh, đã sống lưu vong từ năm 1967, tại Jordan, Qatar, Syria và các quốc gia khác. Năm 1997, ông Meshaal đã sống sót sau một vụ ám sát bằng chất độc tại Amman do các điệp viên của tình báo Mossad Israel thực hiện.
Mỹ: Điều chỉnh thế trận
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 2/8 đã ra lệnh điều thêm máy bay chiến đấu và tàu chiến có khả năng khai hoả tên lửa đến Trung Đông để ứng phó với các mối đe dọa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Gaza, Lebanon và Yemen nhằm tấn công Israel trong những ngày tới để trả thù cho vụ ông Ismail Haniyeh thiệt mạng, tờ New York Times dẫn thông báo của Lầu Năm Góc cho biết.
Theo tờ báo Mỹ, quân đội nước này sẽ điều thêm một phi đội máy bay chiến đấu F-22 của Không quân, một số lượng không xác định các tàu tuần dương và tàu khu trục bổ sung của Hải quân có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, và nếu cần, nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền hơn.
Để duy trì sự hiện diện của một tàu sân bay và các tàu chiến đi kèm trong khu vực, ông Austin cũng đã chỉ đạo tàu sân bay USS Abraham Lincoln, hiện đang ở phía Đông Thái Bình Dương, thay thế tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong vài tuần tới khi nhóm tác chiến tàu sân bay này dự kiến trở về nước.
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, một số tàu đã ở phía Tây Địa Trung Hải sẽ di chuyển về phía Đông, gần bờ biển Israel hơn để tăng cường an ninh.
"Bộ trưởng Austin đã ra lệnh điều chỉnh thế trận quân sự của Mỹ nhằm cải thiện khả năng tự vệ, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho việc phòng thủ Israel và đảm bảo Mỹ sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ khác nhau", phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố không nêu rõ thời điểm các máy bay chiến đấu và tàu chiến bổ sung sẽ đến, nhưng các quan chức nói với New York Times hôm 2/8 rằng sẽ mất vài ngày để có thêm máy bay và lâu hơn một chút đối với lực lượng tăng cường của hải quân.
Trước đó hôm 2/8, các quan chức vẫn đang quyết định sẽ gửi thêm bao nhiêu máy bay và tàu chiến, nhưng cho biết họ đang tìm cách hiệu chỉnh phản ứng của Mỹ để gửi đủ số lượng máy bay và tàu chiến càng nhanh càng tốt đến điểm nóng mà không làm leo thang xung đột.
Theo New York Times, ngoài khoảng 80 máy bay chiến đấu trên bộ, Lầu Năm Góc đã triển khai hơn một chục tàu chiến trong khu vực. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, được trang bị khoảng 40 tiêm kích F/A-18 Super Hornet và F-35, hiện đang di chuyển gần Vịnh Ả Rập, trong khi tàu tấn công đổ bộ USS Wasp và Nhóm sẵn sàng đổ bộ (ARG), với 30 máy bay và trực thăng cũng như 4.500 lính thủy đánh bộ và thủy thủ, đang hoạt động ở phía đông Biển Địa Trung Hải.