Khi hàng chục nhà lãnh đạo thế giới tề tựu tại Washington, D.C., để dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 75, họ sẽ tìm cách nhấn mạnh sự thống nhất của liên minh quân sự. Nhưng hội nghị hứa hẹn sẽ bị phủ bóng bởi những “sự kéo lùi” của Ukraine trên thực địa và những biến động chính trị do bầu cử ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.
Tâm trạng “ảm đạm”
Tổng thống Mỹ Joe Biden – người đang đấu tranh cho sự nghiệp chính trị của mình sau màn tranh luận “tồi tệ” với đối thủ Donald Trump, người hoài nghi NATO – sẽ tạm thời dời sự chú ý của ông khỏi việc vận động tranh cử để chào đón các nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên khi hội nghị khai mạc vào ngày 9/7.
Ông Biden cũng đã mời các nhà lãnh đạo của Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc – một dấu hiệu cho thấy vai trò ngày càng tăng của NATO ở châu Á, tới dự hội nghị.
Nhưng theo AFP, “ngôi sao” của sự kiện sẽ là nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, người đang tìm kiếm những dấu hiệu ủng hộ vững chắc cho Kiev, mặc dù NATO sẽ không đưa ra lời mời tham gia liên minh cho đất nước ông.
Được thành lập vào năm 1949 với tư cách một liên minh phòng thủ, NATO dường như được “hồi sinh” kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, đánh dấu bằng việc Moscow mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia Đông Âu.
Sau những điều gây bất ngờ trên thực địa, cuộc xung đột hiện đang lâm vào bế tắc và trở thành một cuộc chiến tiêu hao, dai dẳng. Một quan chức châu Âu thừa nhận với AFP rằng tâm trạng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO đã trở nên “ảm đạm” khi Ukraine rơi vào tình thế mong manh.
“Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ rất khác so với các kế hoạch ban đầu vì nó diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với an ninh châu Âu”, vị quan chức này nói với AFP với điều kiện giấu tên. “Nga ngày nay đang ở trong một tình thế khá thoải mái”.
“Thời điểm tốt nhất và cũng là thời điểm tệ nhất”
Ông Max Bergmann, giám đốc chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 75 diễn ra vào “thời điểm tốt nhất và cũng là thời điểm tệ nhất”.
“Thời điểm tốt nhất, theo nghĩa là liên minh biết mục đích của mình – ngăn chặn Nga. Các thành viên liên minh đang chi tiêu nhiều hơn”, ông Bergmann giải thích.
“Nhưng đó cũng là thời điểm tệ nhất – rõ ràng là do cuộc chiến ở Ukraine, những thách thức trong việc tăng cường chi tiêu quốc phòng của châu Âu, những lo ngại về độ tin cậy của Mỹ”, vị chuyên gia tiếp tục.
Ông Trump, người trước đây từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, từ lâu đã chỉ trích NATO là gánh nặng không công bằng đối với Mỹ khi “xứ cờ hoa” chi tiêu cho quân sự nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào khác.
Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2024 đã nhiều lần khẳng định rằng ông có thể chấm dứt cuộc chiến nhanh chóng nếu ông tái đắc cử, trong khi các cố vấn của ông đưa ra ý định “điều kiện hóa” sự hỗ trợ của Mỹ trong tương lai đối với Ukraine để buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán.
Ông Trump đã dẫn trước ông Biden sít sao trong các cuộc thăm dò gần đây. Trong khi đó, ở Tây Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người đã cân nhắc việc gửi quân tới Ukraine – cũng đang phải đối mặt với những thay đổi về chính trị với kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn chứng kiến cú “lội ngược dòng” của phe cực tả trong khi phe trung dung của ông vẫn trì trệ.
Một động thái gây xôn xao giữa các thành viên NATO gần đây là chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, nơi ông đã được Tổng thống Nga Putin tiếp đón. Hungary cũng vừa bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU kéo dài 6 tháng.
Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này cũng được cho là sẽ đánh dấu màn ra mắt ngoại giao của tân lãnh đạo Vương quốc Anh, quốc gia thành viên hàng đầu của NATO. Ông Keir Starmer đã nhậm chức Thủ tướng Anh sau chiến thắng vang dội của Đảng Lao động (Công đảng Anh) trong cuộc bầu cử lập pháp, đè bẹp hoàn toàn Đảng Bảo thủ của Thủ tướng vừa mãn nhiệm Rishi Sunak.
Tránh lời “cay đắng”
Tổng thư ký sắp mãn nhiệm của NATO, ông Jens Stoltenberg, đã khởi xướng và thúc đẩy các nỗ lực để chính liên minh này, chứ không phải Mỹ, đi đầu trong việc điều phối hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Stoltenberg cũng muốn các đồng minh cam kết cung cấp viện trợ quân sự ít nhất 40 tỷ Euro (43 tỷ USD) mỗi năm cho Ukraine, đảm bảo sự hỗ trợ đáng tin cậy và nhất quán khi Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Tuy nhiên, ít người tin rằng NATO hoặc sự hỗ trợ dành cho Ukraine có thể tồn tại theo cách tương tự nếu không có Mỹ, quốc gia dưới thời chính quyền Biden đã phê duyệt 175 tỷ USD cho Kiev về hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác.
Hội nghị Thượng đỉnh cũng diễn ra sau khi có thêm 2 quốc gia gia nhập NATO – Phần Lan và Thụy Điển – cả hai đều đã vượt qua sự miễn cưỡng trước đó để chính thức gia nhập liên minh. Trong khi đó, cánh cửa NATO vẫn chưa mở cho Ukraine.
Các nhà ngoại giao cho biết, Mỹ mong muốn tổ chức một hội nghị suôn sẻ, không có kịch tính và tránh những lời “cay đắng” như sự kiện năm ngoái ở thủ đô Vilnius của Litva. Năm ngoái, việc NATO không đưa ra khung thời gian rõ ràng cho Ukraine để trở thành thành viên đã khiến ông Zelensky nổi giận, gây ra “cơn bão” ngoại giao bằng cách chỉ trích rằng sự từ chối của liên minh này là “vô lý”.
Tuy nhiên, cuối cùng, ông vẫn không thành công lay chuyển các nhà lãnh đạo NATO khi họ vẫn kiên quyết nói rằng lời mời sẽ chỉ đến “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”.
Các quan chức Ukraine thừa nhận rằng không có cơ hội thay đổi quan điểm ở Washington. Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi đầu trong việc phản đối Ukraine trở thành thành viên, tin rằng việc kết nạp một quốc gia đang chìm trong xung đột sẽ tương đương với việc chính NATO đối đầu với một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga.
Thay vào đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ sớm công bố khoản hỗ trợ quân sự mới trị giá 2,3 tỷ USD cho Kiev.