Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã đã có buổi phỏng vấn với NSƯT Quốc Phong để anh tâm sự về hành trình đến với nghệ thuật Chèo, cũng như khó khăn với người nghệ sĩ quyết giữ “lửa nghề”.
PV: Xin anh cho biết bản thân đã đến với nghệ thuật Chèo từ khi nào? Cơ duyên nào đưa anh đến với bộ môn này?
NSƯT Quốc Phong: Đó hoàn toàn là sự tình cờ, những năm 1990, ở quê tôi Phú Xuyên (Hà Tây cũ) có câu lạc bộ chèo của các cụ. Vào dịp lễ hội, ngày tết mọi người mới được xem các cụ biểu diễn. Trong tâm tưởng của mình, tôi chưa từng nghĩ sẽ theo nghệ thuật chèo.
Do vậy, khi học xong tôi định thi vào một ngành khác. Nhưng tình cờ gặp một người bạn học ở Khoa kịch hát dân tộc (Trường Đại học sân khấu điện ảnh văn hoá dân tộc) đã khuyên tôi thi diễn viên chèo.
Lúc thi, ban giám khảo yêu cầu mình hát một bài chèo. Thực sự lúc đó tôi rất hoang mang vì không biết câu chèo nào. Bình tĩnh lại, tôi nói thầy cô hát trước rồi mình hát theo.
Ấy thế mà tôi bất ngờ trúng tuyển vào Khoa kịch hát dân tộc về chuyên ngành chèo. Các cô thấy giọng hát của mình được và diễn xuất có năng khiếu nên mình được vào học sân khấu điện ảnh. Hoàn toàn làtình cờ và tôi đến với nghệ thuật chèo từ năm 1997.
PV: Như anh kể, khi đi thi bản thân không biết câu chèo nào. Vậy nững ngày tháng đầu học Chèo, anh bắt đầu như thế nào? Những khó khăn mà anh đã gặp?
NSƯT Quốc Phong: Đúng vậy, khi vào trường tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ khó khăn về tài chính đến vấn đề kỹ năng, chuyên môn. Tôi như tờ giấy trắng về nghệ thuật chèo nên phải cố gắng rất nhiều để theo mọi người.
Trong lớp có những bạn quê Thái Bình, vốn là cái nôi của chèo nên cứ học điệu nào thì các bạn gần như đã thuộc đến đó. Còn tôi cứ phải 2-3 ngày mới học được một làn điệu. Do đó, sau mỗi tiết học tôi phải học thêm từ các bạn. Sự miệt mài chăm chỉ, lại trời phú cho cái năng khiếu nên tôi học cũng nhanh. Chỉ mất tầm nửa học kỳ tôi đã theo được các bạn.
PV: Để có thể bước đến danh hiệu hiệu NSƯT, chắc chắn anh phải trải qua nhiều khó khăn. Vậy có bao giờ anh cảm thấy mình muốn từ bỏ để bước sang một con đường khác?
NSƯT Quốc Phong: Khi bước chân vào nghề, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trắc trở. Nhưng sau khi đi sâu với nghề, tôi thấy văn hoá nghệ thuật chèo mà các cụ để lại có rất nhiều giá trị để mình phải suy nghĩ.
Từng câu các cụ nói, các cụ hát trong chèo đều hàm chứa tinh hoa nghệ thuật truyền thống được đúc kết lại nên để được như bây giờ. Thế nhưng, ngoài việc trau dồi từ các thế hệ đi trước, hơn 20 năm làm nghề, bản thân tôi cũng phải sáng tạo ra những cái của riêng mình.
Khó khăn nhiều lắm, đổ mồ hôi rơi nước mắt, có những lúc luyện tập còn đổ máu trên sân khấu. Nhưng thấm thoát đã hơn 20 gắn bó với nghề, nhưng chưa có lần nào tôi nghĩ bỏ nghề. Đam mê với chèo đã thực sự ngấm vào máu của bản thân tôi.
PV: Khi vinh dự nhận danh hiệu NSƯT, anh cảm thấy có ý nghĩa như thế nào? Theo anh, danh hiệu như NSND, NSƯT có phải là mục tiêu lớn nhất của người nghệ sĩ không?
NSƯT Quốc Phong: Khi nhận được danh hiệu NSƯT, tôi thực sự xúc động. Đó không chỉ là kết quả sau những nỗ lực của bản thân mà còn công sức của biết bao anh chị đi trước đã bảo ban, dẫn dắt.
Tôi rất hãnh diện với danh hiệu Nhà nước trao tặng. Bản thân cũng rất tự hào với những cố gắng bằng tất cả sự chuyên nghiệp, học hỏi, sáng tạo không ngừng nghỉ để được danh hiệu đó.
Danh hiệu NSƯT, NSND là danh hiệu để đánh giá khả năng của một người nghệ sĩ. Còn theo cá nhân tôi, thì đó chưa phải mục tiêu lớn nhất.
Bởi, mục tiêu lớn nhất của bản thân là cống hiến, cống hiến cho khán giả từng buổi diễn, từng vai diễn. Mình có thể dốc hết khả năng để truyền tải cho người xem những gì tinh túy mà các cụ để lại, cho những thế hệ sau hiểu được nghệ thuật chèo. Đó mới là điều quan trọng, mới là cái cuối cùng mà tôi cũng như nhiều nghệ sĩ hướng tới.
Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với nghề, đâu là vai diễn mình tâm đắc nhất?
Hơn 20 năm qua, tôi diễn rất nhiều vai từ vai chính, phản diện, đến giờ diễn cả hài. Tôi từng tham gia nhiều vai trong những vở kinh điển như: Quan Âm Thị Kính, Người Thiên Đô,… nhưng vai tâm đắc nhất là Tú Uyên. Mặc dù vai diễn này chưa đi thi lần nào và chưa có huy chương nào.
Vở chèo "Tú Uyên Giáng Kiều" kể về câu chuyện tình yêu giữa chàng Tú Uyên và nàng Giáng Kiều. Tú Uyên là một chàng trai tài giỏi, đỗ đạt cao, nhưng gia cảnh nghèo khó. Trong một lần đi lễ chùa, Tú Uyên gặp Giáng Kiều, một tiên nữ xinh đẹp.
Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Giáng Kiều, Tú Uyên vượt qua nhiều khó khăn, thi đỗ và trở thành quan. Câu chuyện kết thúc có hậu khi hai người kết duyên, sống hạnh phúc bên nhau.
Vai này đã ghi dấu vào tư tưởng của tôi rất nhiều vì đó được coi là vai diễn “đầu đời” khi vừa tốt nghiệp ra và được truyền hình trực tiếp. Đến nay, tôi chưa thấy vai nào để lại nhiều cảm xúc như vai Tú Uyên.
Tôi đánh giá đây là tác phẩm kinh điển của kịch thơ trong chèo. Từ đầu đến cuối vở hơn 2 tiếng đồng hồ mà nói rất cao, ngâm hát rất cao nhưng nó lại đầy chất lãng mạn, tình cảm. Chính vì thế đã tôn lên vẻ đẹp tình yêu đôi lứa trong vai diễn này.
PV: Theo anh nghệ thuật Chèo đang đứng trước cơ hội và thách thức như thế nào? Anh có kỳ vọng gì về tương lai của nghệ thuật Chèo?
NSƯT Quốc Phong: Bây giờ nghệ thuật chèo truyền thống hay những nghệ thuật khác như tuồng, cải lương, ca Huế,... đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay công nghệ thông tin rất phát triển, ai cần gì đều lên mạng xem là có, không mấy khi người ta mua vé vào rạp xem một vở cải lương, chèo hay tuồng.
Chính vì thế mà nghệ thuật truyền thống gặp rất nhiều trắc trở, trừ nghệ thuật rối thì giờ vẫn còn cái thu hút riêng cũng đỡ vất vả hơn nghệ thuật biểu diễn trực tiếp hình thể của mình như chèo.
Mặc dù, Nhà nước cũng đã quan tâm rất nhiều nhưng để cho chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nói chung có thể phát triển hơn thì vẫn cần thêm sự đầu tư của các cấp, các ngành.
Dù biết ngành nào có những khó khăn riêng, nhưng nghệ thuật truyền thống là ngành đặc thù. Tôicũng mong những thế hệ sau này nếu có theo ngành nghệ thuật truyền thống thì phải luôn học hỏi, trau dồi.
Một ca sĩ đi diễn một đêm có thể bằng nghệ sĩ chèo đi diễn cả năm. Tôi cũng mong muốn Nhà nước có cơ chế để cho nghệ thuật chèo nói riêng và các nghệ thuật truyền thống của Việt Nam được cải thiện và phát triển để có thể gìn giữ được nét văn hoá nghệ thuật vốn có của Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn NSƯT Quốc Phong!