Xinh quá cũng khổ: Khi nữ tiến sĩ bị nghi "làm màu", không thể giỏi thật
Vào tháng 6 năm nay, Chu Vân Kỳ, nghiên cứu sinh đến từ Thâm Quyến, trở thành đại diện của Đại học Oxford đoạt giải Leslie Fox, giải thưởng danh giá trong giới toán học quốc tế dành cho các nhà nghiên cứu trẻ dưới 31 tuổi. Thế nhưng, điều khiến mạng xã hội “dậy sóng” lại không phải thành tích học thuật mà là… ngoại hình của cô.
Sở hữu gương mặt khả ái, thân hình gợi cảm cùng trang cá nhân hơn 1,6 triệu lượt theo dõi, Kỳ bị nhiều người gán cho cái mác “hotgirl mạng” và nghi ngờ về năng lực thực sự. “Họ nghĩ tôi sống ảo, ham danh lợi, giả vờ giỏi để nổi tiếng”, Kỳ kể trong một cuộc phỏng vấn với CCTV. Nhưng cô không né tránh. “Tôi đã lựa chọn chia sẻ cuộc sống cá nhân trên mạng xã hội thì cũng sẵn sàng đón nhận cả lời khen lẫn chỉ trích”, cô nói thẳng thắn.

Không phải thần đồng hay học sinh giỏi xuất sắc từ nhỏ, Kỳ từng là đứa trẻ ốm yếu vì viêm mũi mãn tính. Năm 10 tuổi, cô nghỉ học suốt hai năm để hồi phục sức khỏe, trong khoảng thời gian đó, mẹ cô là người đồng hành và dạy dỗ.
Thay vì ép con học theo sách vở, mẹ dẫn cô khám phá thế giới bằng sự tò mò tự nhiên. Lịch học mỗi ngày bắt đầu từ 10h sáng, có thời gian ăn trưa cùng mẹ, rồi học đến 5h chiều. Không áp lực, không điểm số, chỉ có niềm vui khi hiểu được điều mới. Còn tình yêu với toán học? Chính người cha, một tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo, đã gieo mầm hạt giống ấy.
Sau khi tốt nghiệp Oxford năm 2014, Kỳ gia nhập JPMorgan và Goldman Sachs, hai trong số những ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới. Công việc mang lại thu nhập cao, danh tiếng và sự ổn định. Nhưng đổi lại là… nước mắt. “Tôi khóc suốt mỗi tối vì áp lực. Lúc đó, tôi chỉ thấy dễ chịu khi ngồi giải những bài toán khó”, Kỳ nhớ lại.
Sau 6–7 năm làm việc, cô quyết định từ bỏ mức lương mơ ước, quay trở lại Oxford học thạc sĩ ngành mô hình toán học. Kết quả? Cô tốt nghiệp với điểm số cao nhất toàn khóa.

Khi mạng xã hội là con dao hai lưỡi: Họ nghĩ cô đẹp thì không thể giỏi
Tháng 3/2022, khi đăng video nhận bằng thạc sĩ Oxford, cô lại bị chỉ trích gay gắt. “Xinh thế này thì không thể giỏi thật”, “Chắc chỉ là hotgirl thích lên mạng sống ảo” – hàng loạt bình luận mỉa mai xuất hiện.
Kỳ không phản pháo. Cô im lặng và… tiếp tục học. Đến khi một giáo sư toán học nổi tiếng công khai đưa ra một bài toán thử thách, cô âm thầm giải và hoàn thành xuất sắc. Cộng đồng mạng lúc này mới ngỡ ngàng nhận ra: nhan sắc không thể phủ nhận trí tuệ.

Tháng 2 năm nay, Kỳ chính thức nhận được thư mời học tiến sĩ của Đại học Oxford. Sau khi tốt nghiệp, cô sẽ ở lại nghiên cứu và giảng dạy thêm 2 năm. Dù vậy, cô vẫn giữ thói quen chia sẻ cuộc sống thường nhật lên mạng: từ những buổi café nhẹ nhàng đến khoảnh khắc mặc đầm dạo phố hay trang điểm xinh xắn.
“Thích thời trang, sống dư dả, nhưng vẫn yêu toán học, vì sao không thể cùng tồn tại?”, Kỳ từng nói.
Tương lai của Kỳ không nằm ở các tập đoàn đầu tư nữa. Cô dự định sau khi kết thúc chương trình sau tiến sĩ sẽ trở về Trung Quốc, giảng dạy và góp phần phát triển ngành toán học nước nhà. “Tôi muốn những đứa trẻ yêu toán có thể thấy rằng: bạn vừa có thể là một người bình thường, sống một cuộc đời rực rỡ, vừa có thể chạm tới đỉnh cao tri thức”, cô chia sẻ.