Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nước giải khát Chương Dương (SCD): Bị hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu giảm kịch sàn

Sau thông tin cổ phiếu SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương bị hủy niêm yết bắt buộc, thị giá SCD giảm kịch sàn xuống mức 12.100 đồng/cp khi kết thúc phiên sáng 04/04/2024.

Theo văn bản số 536/SGDHCM-NY ngày 01/04/2024, sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE) đã quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SCD sau khi nhận được báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2023 của công ty.

Lý do đưa ra là SCD thua lỗ trong 3 năm liên tiếp và vốn chủ sở hữu âm, thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định. Trước đó, SCD cũng đã bị đưa vào diện kiểm soát do kết quả kinh doanh bết bát.

chuong-duong-1712207695.jpg
Cổ phiếu SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương bị hủy niêm yết bắt buộc. (Ảnh minh họa; Nguồn: SABECO)

Sau thông tin trên, giá cổ phiếu SCD giảm kịch biên độ, xuống mức sàn 12.100 đồng/cp khi kết thúc phiên sáng ngày 04/04/2024. So với đầu năm, thị giá của mã chứng khoán này giảm tới 20%.

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC kiểm toán 2023, SCD ghi nhận doanh thu thuần 126,2 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 99,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về 26,5 tỷ đồng, giảm 16%.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 37% lên 21,6 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng đột biến lên 85,1 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, chủ yếu do tiền thuê đất tăng mạnh. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 107 tỷ đồng, cùng kỳ âm 51,2 tỷ đồng.

Trừ đi thuế và các chi phí khác, SCD báo lỗ ròng 119,2 tỷ đồng, trong khi năm 2022 cũng lỗ 48,6 tỷ đồng. Qua đó, công ty ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp kinh doanh thua lỗ, dẫn đến cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc.

Giải trình nguyên nhân, SCD cho biết dù đã nỗ lực nhằm cắt giảm và tối ưu hóa chi phí, tuy nhiên do chi phí đầu vào, chi phí hoạt động tăng cao, điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu thấp hơn dự kiến… ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SCD tăng 90 tỷ đồng lên 687,6 tỷ đồng, phần lớn do tiền và tương đương tiền tăng từ 27,8 tỷ đồng lên 105,3 tỷ đồng, trong đó tiền mặt của doanh nghiệp chỉ “vỏn vẹn” 44 triệu đồng.

Tuy nhiên, SCD có 25,3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 80 tỷ đồng các khoản tương đương tiền mà theo thuyết minh, các khoản này phản ánh tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng tại các ngân hàng.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của SCD tăng 43% lên gần 700 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 438,7 tỷ đồng (tăng gấp gần 5 lần đầu năm). Đây là khoản vay công ty mẹ - Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB).

Bên cạnh đó, SCD thực tế đã kinh doanh "không lời" trong ba năm liên tiếp (2021-2023) với mức lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 gần 201 tỷ đồng, qua đó đẩy vốn chủ sở hữu xuống mức âm gần 11,7 tỷ đồng, trong khi năm 2022 còn khoảng 107,5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu SCD rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.

Ngọc Bảo