Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ở cữ nhà chồng và bữa cơm cữ đầu tiên khiến tôi nghẹn ngào

Sau sinh, sức khỏe yếu, mẹ ruột lại chưa kịp lên chăm, tôi đành về nhà chồng ở cữ với không ít lo lắng.

Vì sức khỏe yếu sau sinh, tôi phải nằm viện lâu hơn dự tính. Mẹ ruột ở xa chưa lên kịp, mọi việc lớn nhỏ tôi đành gửi gắm vào bên nhà chồng. Dự định ban đầu là sẽ về ngoại để mẹ ruột chăm cữ, nhưng mẹ chồng khẽ nói:  “Ở đâu cũng không bằng ở nhà mình. Cháu nội ra đời thì phải để ông bà nội lo”.

Tôi nghe vậy, cũng chẳng dám cãi. Trước ngày xuất viện, tôi chủ động gửi mẹ chồng 5 triệu, vừa là phụ tiền chợ, vừa là chút tấm lòng. Tôi nhắn kèm vài dòng: “Con biết mẹ vất vả. Đây là chút lòng thành để mẹ đỡ ngại khi lo cho con và cháu”.

Mẹ chỉ đáp ngắn gọn: “Ừ, mẹ nhận rồi. Cứ yên tâm về đi”.

Thế nhưng trong lòng tôi vẫn thấp thỏm. Vết mổ còn đau, con thì khóc suốt, chỉ mong về nhà có được bữa cơm nóng, giấc ngủ yên. Rồi đến bữa cơm đầu tiên ở cữ, mẹ chồng mang mâm cơm đặt ngay đầu giường, nhẹ giọng: “Mẹ nấu riêng cho con đấy. Toàn là món lợi sữa. Ăn được không, để mai mẹ nấu tiếp”.

Tôi chống tay ngồi dậy, nhìn mâm cơm mà mắt bỗng nhòe đi. Không phải vì sang trọng, mà vì tỉ mỉ đến xúc động: bát canh móng giò hầm đu đủ thơm lừng, đĩa cá chép kho nghệ đậm đà, trứng gà luộc cắt đôi, chén nhỏ hạt sen nấu nhừ… Kèm theo đó là ly nước ấm pha gừng tươi.

unnamed-10-1751342269.png

Ảnh minh họa.

- Mẹ… sao mẹ nấu cầu kỳ thế? - tôi nghẹn giọng hỏi.

Mẹ chồng chỉ cười hiền: “Mẹ lên mạng học đấy. Món nào tốt cho con, cho cháu, mẹ ghi ra giấy dán ngay đầu giường bếp, sợ quên”.

Tôi vừa bật cười vừa rơi nước mắt. Ngày nào mẹ cũng đun nước lá cho tôi tắm, giặt khăn sữa, phơi riêng đồ bé con trong nắng sớm. Có hôm tôi ôm con ngủ quên trên ghế, mẹ đắp nhẹ chiếc chăn rồi lặng lẽ chụp lại khoảnh khắc ấy. Khi tỉnh dậy, tôi thấy tin nhắn của mẹ: “Cảnh này đẹp như tranh. Mẹ không dám gọi vì sợ đánh thức hai mẹ con”.

Hai tuần sau, mẹ ruột từ quê lên. Vừa bước vào, bà reo lên: “Trời ơi, nhìn con hồng hào hẳn ra! Bé cũng cứng cáp rồi. Thế này mẹ yên tâm”.

Tôi nhìn mẹ đẻ, rồi quay sang mẹ chồng – hai người phụ nữ âm thầm gánh lấy những vất vả của tôi, mỗi người một cách, nhưng đều đầy tình thương. Tôi thầm nghĩ: Làm mẹ là bản năng. Làm mẹ chồng cần rất nhiều yêu thương. Nhưng khi tình yêu con, thương cháu là điểm chung, thì mọi ranh giới cũng dần xóa nhòa.

Tối đó, tôi chuyển thêm cho mẹ chồng một khoản nhỏ. Bà nhắn lại: “Mẹ để dành mua thêm ít quần áo cho cháu. Con cứ yên tâm dưỡng sức. Tháng sau mẹ về quê thì để lại công thức nấu cho bố nó học”.

Tôi cười, nhắn lại: “Mẹ đẻ con học trước rồi truyền lại cho bố nó. Mẹ cứ từ từ rồi về ạ”.

Có những điều ta từng chắc mẩm là không thể. Tôi từng nghĩ, mẹ chồng nàng dâu chẳng bao giờ hòa hợp. Nhưng rồi, chỉ cần một mâm cơm nóng, một ánh mắt chân thành, một chút thiện chí từ hai phía… mọi rào cản hóa ra cũng mềm mại như cánh tay mẹ đỡ lấy đứa cháu thơ.

Lê Vân (t/h)