Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

PETEC (UPCoM: PEG): Kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo

Giữa bối cảnh kết quả kinh doanh có phần ảm đạm trong năm 2023, cổ phiếu của Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư – CTCP (PETEC; UPCoM: PEG) lại tiếp tục rơi vào diện cảnh báo.

Quỹ nợ “phình to”, dòng tiền kinh doanh âm hơn 45 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 (đã được kiểm toán), PEG ghi nhận doanh thu thuần 7,5 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 7,8 nghìn tỷ đồng cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 7,3 nghìn tỷ đồng nên lợi nhuận gộp công ty thu về đạt hơn 238,6 tỷ đồng, giảm 19%.

So với năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 8,5 tỷ đồng lên 21,5 tỷ đồng. Nổi bật trong đây là khoản lãi chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Petec Bình Định lên tới 12,2 tỷ đồng. PEG đã thoái vốn toàn bộ và thực hiện chuyển nhượng thông qua hình thức đấu giá tại sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), tổng số tiền thu được hơn 33,1 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất 2023 của PEG.

Mặt khác, chi phí bán hàng tăng gần 30 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt mức 227,8 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 47,1 tỷ đồng, giảm gần 50%; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 15,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty lãi 5,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản thu nhập khác cũng tăng từ 3,5 tỷ đồng lên 16,9 tỷ đồng, chủ yếu là khoản bồi thường gián đoạn kinh doanh và thu phạt chậm tiến độ hơn 10 tỷ đồng; chi phí khác cũng được “cắt giảm” mạnh chỉ còn hơn 782 triệu đồng so với con số 6,8 tỷ đồng trong năm 2022 với phần lớn là các khoản bị phạt.

Trừ đi thuế và các chi phí khác, PEG lỗ ròng 586,6 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã vượt qua mục tiêu về doanh thu trong năm 2023 tới 145%, thế nhưng không thể đạt được lợi nhuận như kế hoạch.

Kết quả kinh doanh của PEG trong giai đoạn 2020 – 2023.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, PEG cho rằng chủ yếu do giá bán xăng dầu Nhà nước liên tục giảm, tồn kho lớn. Ngoài ra, theo Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 31/11/2020 của Chính phủ, công ty thực hiện phân bổ lợi thế vị trí địa lý của các lô đất trong năm 2023 hơn 20 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PEG đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 814,9 tỷ đồng tài sản ngắn hạn (chiếm 48,5%), trong khi đầu năm chỉ ghi nhận 444,4 tỷ đồng. Nổi bật trong đây là hàng tồn kho tăng vọt từ 62,2 tỷ đồng lên 445,6 tỷ đồng, phần lớn là hàng hóa. Còn lại là tài sản dài hạn.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của PEG tăng gần 340 tỷ đồng so với số đầu năm, đạt mức 993,5 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm 98,5% (tương đương 979,1 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do các khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng từ 514 tỷ đồng lên 922,8 tỷ đồng. Trong đó có khoản nợ tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) hơn 916,5 tỷ đồng, còn lại là các nhà cung cấp khác.

Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của PEG gần như đi ngang khi ghi nhận 685,8 tỷ đồng. Với con số này, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của doanh nghiệp là 1,4.

Ngoài kết quả kinh doanh trong năm 2023, tình hình tài chính tại PEG cũng có nhiều biến động liên quan đến dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm hơn 45,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương hơn 47,1 tỷ đồng.

Mặt khác, PEG cũng có dòng tiền hoạt động đầu tư dương 36,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 21,9 tỷ đồng. Do vậy, kết quả lưu chuyển tiền thuần trong năm âm hơn 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận dương 47,9 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất 2023 của PEG.

Tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra Quyết định số 74/QĐ-SGDHN ngày 15/2/2024 về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu PEG.

Cụ thể, trên cơ sở xem xét báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán, công ty đã bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Vì vậy, theo điểm a khoản 1 Điều 33 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng thành viên sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu PEG sẽ tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo.

Quyết định số 74/QĐ-SGDHN ngày 15/2/2024 (Nguồn: HNX).

Trong văn bản giải trình gửi đến ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX, PEG cho rằng công ty đang ghi nhận khoản phải thu khác từ tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan đến khoản lỗ lũy kế thời điểm PEG chính thức chuyển sang loại hình công ty cổ phần với số tiền 169,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, PEG đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 31/12/2023 với số tiền 9,8 tỷ đồng do giá dầu DO tồn kho cao hơn giá bán trên thị trường. Tuy nhiên, trong việc tính và trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với mặt hàng này, PEG đã tính ảnh hưởng của việc nhập hàng với giá thấp trong đầu năm 2024.

Được biết, Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư – CTCP (PETEC; UPCoM: PEG) tiền thân là công ty Nhập khẩu Thiết bị và Kỹ thuật dầu khí (PETECHIM) được thành lập ngày 12/10/1981. Các lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp bao gồm kinh doanh, phân phối, bán lẻ xăng dầu và các sản phẩm dầu khí liên quan; cho thuê kho xăng dầu, kho hàng hóa.