Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Sói khổng lồ trong loạt phim "Game of Thrones" được hồi sinh ngoài đời thực sau 12.500 năm

Loài sói khổng lồ cổ đại từng là nguồn cảm hứng cho những “direwolf” trong loạt phim nổi tiếng Game of Thrones vừa chính thức được hồi sinh bởi công nghệ sinh học. Theo công bố của công ty công nghệ Colossal Biosciences có trụ sở tại Dallas (Mỹ), ba cá thể sói khổng lồ đầu tiên đã ra đời sau hơn 12.500 năm loài này biến mất khỏi Trái Đất.

Thông báo được đưa ra hôm 7/4 khẳng định rằng đây là “loài vật tuyệt chủng đầu tiên được phục sinh thành công”, mở ra bước ngoặt lớn trong tham vọng phục hồi các loài đã biến mất của Colossal. Dự án được thực hiện thông qua tổ hợp công nghệ hiện đại bao gồm giải trình tự DNA cổ, chỉnh sửa gene CRISPR và nhân bản tế bào động vật.

Hai chú sói đực được sinh ra vào ngày 1/10/2024 và một con cái vào ngày 30/1/2025. Cả ba hiện đang sống tại một khu bảo tồn rộng 2.000 mẫu Anh (hơn 800 ha) tại một địa điểm không được tiết lộ, với hệ thống an ninh nghiêm ngặt gồm hàng rào cao 3 mét, giám sát camera 24/7 và máy bay không người lái. Cơ sở này đã được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ và đăng ký với Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Từ hóa thạch tiền sử đến sinh vật sống hiện đại

Loài sói khổng lồ, tên khoa học Aenocyon dirus, từng là động vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn ở Bắc Mỹ trong kỷ Băng hà cuối cùng. Khác với sói xám hiện đại, sói khổng lồ có kích thước lớn hơn, hàm răng khỏe, đầu rộng và lớp lông dày màu sáng. Trong văn hóa đại chúng, hình ảnh “direwolf” nổi tiếng qua loạt phim truyền hình Game of Thrones (phát trên kênh HBO) chính là phiên bản hư cấu dựa trên loài động vật này. Trong phim, những con direwolf to lớn và trung thành đồng hành cùng các thành viên nhà Stark, trở thành biểu tượng gắn liền với số phận của từng nhân vật.

3-1744080614.jpg

Hình ảnh “direwolf” nổi tiếng qua loạt phim truyền hình Game of Thrones. (Ảnh: CBR.com)

Colossal cho biết họ đã sử dụng mẫu DNA từ hai hóa thạch sói khổng lồ: một chiếc răng 13.000 năm tuổi và một hộp sọ 72.000 năm tuổi. Từ đó, các nhà khoa học giải trình tự thành công hai bộ gene hoàn chỉnh và đối chiếu với bộ gene của các loài sói, cáo, chó rừng hiện đại để xác định những đoạn gene đặc trưng cho sói khổng lồ, bao gồm màu lông, hình dáng đầu, mật độ lông và đặc điểm cơ thể.

Sau khi xác định được 20 biến thể gene quan trọng trên 14 gene khác nhau, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa tế bào sói xám, loài gần gũi nhất về di truyền, rồi tiến hành nhân bản tế bào và cấy vào trứng hiến tặng. Phôi phát triển khỏe mạnh được chuyển vào vật mang thai thay thế. Colossal không tiết lộ cụ thể loài được sử dụng làm mẹ mang thai, nhưng nhiều hãng tin cho biết đó là chó nhà.

“Đây là cột mốc đầu tiên trong hàng loạt ví dụ sắp tới chứng minh rằng hệ sinh thái công nghệ phục hồi tuyệt chủng của chúng tôi hoạt động hiệu quả,” Ben Lamm, đồng sáng lập kiêm CEO Colossal, tuyên bố.

2-1744080780.jpg

 

Hai chú sói con được sinh vào ngày 1/10/2024. (Ảnh: Colossal Biosciences)

Kết quả vượt mong đợi, tranh cãi vẫn chưa dứt

Giáo sư Love Dalén – chuyên gia di truyền học tiến hóa tại Đại học Stockholm (Thụy Điển) và cố vấn khoa học cho Colossal – cho biết dự án đã tạo ra “một bước nhảy vọt thực sự” so với bất kỳ nỗ lực phục hồi loài nào trước đây. “Xét trên toàn bộ bộ gene, những con sói con này vẫn là 99,9% sói xám. Nhưng phần còn lại chính là các gene khiến chúng mang đặc điểm ngoại hình và sinh học gần giống sói khổng lồ hơn bất kỳ sinh vật nào xuất hiện trong 13.000 năm qua,” ông nói.

Ông cho rằng điều đáng chú ý không chỉ là sự tồn tại của các gene cổ đại, mà còn là khả năng thể hiện những đặc điểm ngoại hình cụ thể – hay còn gọi là “kiểu hình”, khiến các cá thể này giống hệt với sói khổng lồ trong hóa thạch và ghi chép lịch sử. “Đây là sói khổng lồ, ít nhất là về hình dạng và biểu hiện gene,” ông khẳng định.

renamethishorizontal-1-1-1744081408.gif
Những con sói được giám sát chặt chẽ và giữ bí mật về địa điểm. (Ảnh: Colossal Biosciences/TMX)

Colossal được thành lập vào năm 2021 bởi Ben Lamm và nhà di truyền học Harvard George Church, với mục tiêu ban đầu là hồi sinh voi ma mút. Dự án ma mút vẫn đang được triển khai, với thời gian dự kiến ra mắt thế hệ đầu tiên vào năm 2028. Tính đến nay, công ty đã huy động được hơn 435 triệu USD (tương đương khoảng 11.000 tỷ đồng) từ các nhà đầu tư.

Colossal nhấn mạnh rằng công nghệ phục sinh loài đã tuyệt chủng của họ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn có thể ứng dụng trực tiếp vào việc bảo tồn các loài nguy cấp. Công ty cho biết họ đã ứng dụng phương pháp nhân bản ít xâm lấn, phát triển trong quá trình nghiên cứu sói khổng lồ – để tạo ra thành công hai lứa sói đỏ, loài sói có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất tại Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và nhà bảo tồn tiếp tục đặt câu hỏi liệu nỗ lực phục sinh loài có đáng để đầu tư khổng lồ hay không. Một số ý kiến lo ngại việc sử dụng động vật sống làm vật mang thai thay thế có thể gây tổn hại sức khỏe và phúc lợi của những loài hiện có.

Giáo sư Christopher Preston, chuyên gia triết học môi trường tại Đại học Montana, thừa nhận Colossal đã chú trọng đến phúc lợi động vật, thể hiện qua việc xây dựng khu bảo tồn chuyên dụng được giám sát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, ông cũng đặt nghi vấn về tính khả thi của mục tiêu “đưa loài đã tuyệt chủng trở lại hệ sinh thái”.

“Ngay cả ở những bang như Montana, việc duy trì một quần thể sói xám khỏe mạnh cũng đã gặp khó khăn vì áp lực chính trị và xã hội. Thật khó tưởng tượng rằng sói khổng lồ sẽ được thả về tự nhiên để đóng vai trò sinh thái như mong muốn,” ông nói. “Vậy thì, câu hỏi cần đặt ra là: những sinh vật này sẽ phục vụ vai trò gì?”

Ngọc Bảo (Theo CNN)